Mùa mưa ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo đến sớm

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ đầu tháng 3 đến nay, mưa nhỏ đã xuất hiện ở một vài nơi thuộc các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… với lượng trung bình khoảng 10mm.

Chú thích ảnh
Các hồ chứa nước bảo đảm an toàn trong mùa mưa. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Từ nay đến cuối tháng 3, dự báo tiếp tục có mưa xuất hiện trên toàn vùng với lượng khoảng 10-20 mm, đặc biệt ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long như các khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, lượng mưa có thể lên tới 30mm (lượng mưa đo được trong 12 giờ từ 25-50mm được xem là mưa to).

Dự báo hiện tượng ENSO đang ở pha lạnh, ảnh hưởng của La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5, sau nghiêng về trung tính, mùa mưa năm 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo xuất hiện sớm.

Về tình hình nguồn nước sông Mekong, từ đầu tháng 3 đến nay, các hồ chứa thuộc Trung Quốc có lưu lượng xả về hạ lưu đã tăng dần, hiện lưu lượng đạt khoảng 2.300m3/s. Dự báo dòng chảy bình quân về Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 3 đến cuối mùa khô lưu lượng bình quân ở mức cao hơn trung bình ở các tháng 3 và 4. Tuy vậy, diễn biến dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn và có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Tiềm năng nguồn nước tự nhiên về đồng bằng mùa kiệt 2021-2022 thuộc năm thủy văn ít nước, nhưng có sự điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực, cùng với mưa trái mùa diện rộng đã xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, xâm nhập mặn trong tháng 3/2022 ở các tỉnh miền Tây có xu hướng giảm dần. Việc xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 25/3 trở đi, góp phần giảm mặn ở đầu tháng 4, mực nước cao nhất trên đồng bằng sẽ tăng thêm khoảng 6-10cm.

Dự báo xâm nhập mặn lớn nhất trong tháng 3 với ranh mặn 1g/1 trên sông Tiền 52-54 km, sông Hàm Luông -72 km, các cửa sông khác 54-60 km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 90-100 km. Ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đi vào hoạt động nên đã chủ động kiểm soát được mặn. 

Các tỉnh ven biển như Long An, Bến Tre, Trà Vĩnh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng khuyến cáo, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là vùng cách biển đến 30–40 km, nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt khi độ mặn ngoài sông cho phép để tích trữ nước ao, ruộng, mương... Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng...) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.

Thanh Liêm (TTXVN)
Thời tiết ngày 22/3: Không khí lạnh gây mưa dông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Thời tiết ngày 22/3: Không khí lạnh gây mưa dông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, nên từ chiều tối ngày 22/3 đến ngày 23/3, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN