Thưa ông, trong những ngày qua, hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đều xuất hiện lũ và ngập lụt, ông nhận định như thế nào về tình trạng này?
Hầu hết các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ đều đã xuất hiện lũ và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là trên lưu vực sông Thao qua Lào Cai, Yên Bái là những khu vực trọng tâm. Các trạm dự báo tại 2 địa phương này cho biết, mực nước đã xuất hiện vượt mức lũ lịch sử của các năm trong chuỗi số liệu hiện có. Ngoài ra, khu vực vùng hạ lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam... cũng đều đã xuất hiện lũ trên báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Hiện nay, tại khu vực Hà Nội, tình hình lũ cũng đang lên cao, mực nước sông Hồng lên nhanh. Vậy, ông có thể đưa ra những cảnh báo về nguy cơ ngập lụt tại Hà Nội như thế nào?
Theo số liệu và bản tin dự báo, khu vực Hà Nội có khả năng sẽ lên xấp xỉ báo động 2 trong 12-24 giờ tới. Khi trạm Hà Nội lên mức xấp xỉ báo động 2, nhiều khu vực ven sông Hà Nội như: Phúc Tân, Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm), Bồ Đề (quận Long Biên) đều là những khu vực có nguy cơ ngập cao.
Bên cạnh đó, các trạm vùng hạ lưu phía dưới của sông Hồng như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, mực nước hầu hết các trạm phía dưới nhiều khả năng sẽ lên mức báo động 3, dẫn đến nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh.
Trước nguy cơ ngập lụt diện rộng, theo ông, người dân cần có những biện pháp như thế nào để phòng tránh được thiệt hại?
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng như các Đài khí tượng thủy văn khu vực và Đài khí tượng thuỷ văn các địa phương đã cung cấp thông tin hàng giờ cho người dân về diễn biến của các đợt lũ. Vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần có các phương án ứng phó, tuyên truyền người dân tuân thủ chặt chẽ sự chỉ đạo và yêu cầu di dời đến các khu vực an toàn nhất có thể.
Trân trọng cảm ơn ông!