Lấy người dân làm chủ thể
Hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, hệ thống Mặt trận các cấp thành phố đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới, nhất là việc ghi nhận các ý kiến phản biệt của người dân theo phương thức lấy Nhân dân làm chủ thể. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp đã chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác giám sát, phản biện xã hội để người dân tin tưởng và kịp thời phản ánh các bức xúc, lo lắng... của mình.
Theo báo cáo của Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua (từ năm 2014 - 2024), hệ thống dân vận, MTTQVN các cấp đã phối hợp tổ chức được 1.728 lớp tập huấn về công tác giám sát, phản biện xã hội, với 141.305 lượt người tham dự. Trong đó, cấp Thành phố là 20 lớp, với 5.713 lượt người tham dự; quận, huyện là 376 lớp, với 40.153 lượt người tham dự; phường, xã, thị trấn là 2.953 lớp, với 237.896 lượt người tham dự.
Tuy nhiên, theo một số cán bộ mặt trận, hiện nay Thành phố cũng chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm một số vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài trong Nhân dân; một số đoàn thể còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung giám sát...
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân của những hạn chế trên trước tiên là do trình độ hiểu biết của một số cán bộ MTTQ về chính sách pháp luật chưa sâu, chưa có sự phối hợp theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát. Việc phối hợp cung cấp thông tin giữa UBMTTQ và các cơ quan chức năng còn bất cập. Vì vậy, việc bồi dưỡng cho cán bộ MTTQ để nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát cần được quan tâm. Ngoài ra, UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh cũng cần có sự phối hợp với Ủy ban kiểm tra của Đảng ở các cấp trong việc tổ chức hoạt động giám sát đối với cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, từ việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giám sát, đến việc báo cáo kết quả giám sát, theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát có hiệu quả cao nhất.
Theo bà Phạm Phương Thảo, trong bối cảnh một vài chính sách pháp luật còn chung chung, chồng chéo và xung đột, quá trình thực hiện hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ giúp phát hiện những bất cập, từ đó, Thành phố sẽ có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Hiệu quả từ công tác giám sát còn góp phần thúc đẩy "đầu tàu kinh tế" của cả nước phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hồ Chí Minh cho hay, thực tế, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đang thể hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, từ đó đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức; bảo vệ lợi ích của nhà nước; hạn chế vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, công tác giám sát còn một số hạn chế là do trong hoạt động giám sát, phản biện, góp ý ở một số địa phương vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát; tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao...
"Vì thế, để khắc phục hạn chế này, cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú ý lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; các vấn đề liên quan quyền làm chủ của nhân dân", bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết thêm.
Đa dạng hóa phương thức
Dưới góc độ cơ sở, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch UBMTTQVN quận Tân Bình cho biết, hiện nay, công tác phản biện xã hội tại cơ sở rất khó thực hiện, vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Trong Quyết định 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội có nêu: Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, ở cấp địa phương, do bị vướng về thời gian, việc chuẩn bị dự thảo của chính quyền rất ngắn nên hầu hết chỉ đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội góp ý. Vì vậy, Thành phố cần kiến nghị sửa đổi Quyết định 217 theo hướng vừa có góp ý, nêu chính kiến về các dự thảo, vừa có phản biện xã hội trong quá trình thực hiện.
Trong khi đó, TS Trần Tuấn Duy, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết, về lâu dài, để nâng chất hiệu quả công tác phản biện xã hội, cần xem xét, nâng hoạt động phản biện xã hội thành luật. Cụ thể là nghiên cứu, ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội; trong đó, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Trong giám sát phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm và cần phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo hướng chất lượng hơn. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, đoàn thể khi thực hiện công tác giám sát, ghi nhận các ý kiến phản biển xã hội cần chủ động, kịp thời xem xét, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như việc làm, bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư… có giải pháp cụ thể để chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, các cơ quan chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức đã ghi nhận ý kiến tiếp thu chỉnh sửa các góp ý từ các cuộc giám sát, thu thập ý kiến, phản biện xã hội trong nhân dân mà các cán bộ MTTQVN TP Hồ Chí Minh thực hiện. Các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cũng tích cực tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tổ chức các cuộc lấy ý kiến trước khi ban hành.
Tại cơ sở, cán bộ cũng thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đổi mới công tác tiếp xúc cử tri... Đối với UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, thực hiện khảo sát thực tế, theo dõi, đôn đốc, đeo bám chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; có trách nhiệm đối với các nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội...
Bài cuối: Lá chắn quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng