Mong đảm bảo quyền lợi khi khám bệnh gần nhà
Bị ung thư vú và đã chuyển về điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, bà Nguyễn Thị Bích (ở Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Từ khi bị bệnh tôi càng hiểu giá trị của việc tham gia BHYT. Trước kia tôi bị ung thư vú, phải điều trị, tôi có đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện lớn; tuy nhiên vừa qua tôi đã được điều trị ổn định và đã xin chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu về Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Việc khám chữa bệnh gần nhà giúp tôi dễ dàng đi lại, theo dõi sức khỏe ở tuyến dưới, quyền lợi về thuốc, các dịch vụ khám phù hợp với tình trạng hiện tại của tôi. Khám bệnh ở tuyến dưới cũng đỡ đông, đỡ vất vả hơn nhiều...".
“Nhà tôi có 2 vợ chồng đóng BHYT theo diện hộ gia đình. Nhiều năm nay chúng tôi đều đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vì bệnh viện có chất lượng khám, chữa bệnh tốt lại ở ngay gần nhà. Hiện tôi chưa thấy có thông báo phải thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu, nên tôi vẫn đang theo đăng ký như cũ. Thực lòng người dân ai cũng muốn được khám chữa bệnh trong điều kiện tốt và sẵn sàng chuyển xuống tuyến dưới nếu các quyền lợi được đảm bảo”, chị Lê Thu Dung (ở Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Với tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương như hiện nay, trong khi nhiều người vẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện lớn; Hà Nội đã triển khai thực hiện việc chuyển thẻ BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh về cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, xã phù hợp với nơi cư trú.
Hiện, Hà Nội có gần 1,34 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình (gần 18,5% tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn). Vừa qua, liên ngành Y tế - Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn bổ sung đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu trên địa bàn Thành phố năm 2021. Theo đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để thuận tiện cho người dân khám, chữa bệnh. Đặc biệt, những trường hợp đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến thành phố, nhưng không phù hợp với nơi cư trú cũng sẽ chuyển về các cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Còn những trường hợp đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến thành phố, nhưng phù hợp với địa bàn cư trú thì tạm thời chưa điều chỉnh cho đến khi hết thời hạn sử dụng thẻ BHYT…
Nâng cao chất lượng tuyến dưới
Để thực hiện việc chuyển nơi đăng ký khám bệnh ban đầu, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đã đề nghị tuyến y tế cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện điều chuyển nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia theo hộ gia đình. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới, bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến thuận lợi. Bên cạnh đó, tại tuyến xã, phường, thị trấn, người có thẻ BHYT sẽ được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT; đặc biệt, hiện nay việc thông tuyến huyện và khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến đã được hưởng 100% quyền lợi.
Để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân BHYT theo hộ gia đình, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, xã, phường trên địa bàn kích hoạt toàn bộ bộ máy hoạt động để đáp ứng tiếp nhận người bệnh.
Về việc thực hiện quy định mới, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ Đặng Trần Chiến cho biết: “Hiện tại, huyện Chương Mỹ có 301.000 người tham gia BHYT (đạt 90,1%), trong đó có hơn 70.000 người tham gia BHYT hộ gia đình; 108.000 người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện. Cơ sở vật chất hiện tại của Bệnh viện có 365 giường, tiếp đón khoảng 700 - 1.000 lượt bệnh nhân khám bệnh/ngày. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, Bệnh viện có thể tiếp nhận thêm ít nhất 30.000 người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu”.
Cũng theo BS. Đặng Trần Chiến, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, Bệnh viện huyện Chương Mỹ cũng đang cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đồng thời đề xuất được mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó, hàng năm, bệnh viện cũng thực hiện mua sắm thêm trang thiết bị cơ bản, nâng cao trình độ chuyên khoa cho các bác sĩ. Về năng lực hiện tại, Bệnh viện có thể thực hiện phẫu thuật tuyến giáp, tiền liệt tuyến, tán sỏi thận, sỏi niệu quản… để phục vụ người bệnh.
BS. Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa Nguyễn cũng cho biết: Hiện TTYT quận duy trì 79.000 lượt người khám, chữa bệnh với hơn 70.000 người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây. Với nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực như hiện nay, Trung tâm y tế quận Đống Đa có thể sẵn sàng tiếp nhận số lượng người đến khám, chữa bệnh tăng lên.
“Cùng với sự nâng cấp của y tế cơ sở, nhà nước cũng cần có giải pháp cụ thể để người dân thực sự tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, tránh tình trạng y tế cơ sở lại trở thành nơi để bệnh nhân xin chuyển lên tuyến trên”, BS. Nguyễn Đức Tuấn đề xuất.