Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-16 giờ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.
Ngày 27/7, 5 tỉnh, thành phố có chỉ số nóng bức (HI- Heat Index) cực đại ở mức 41-54 (mức nguy hiểm) gồm: Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Tại mức nhiệt này người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ số nóng bức từ 32-41, thuộc mức đặc biệt cẩn trọng gồm: quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), Thành phố Hồ Chí Minh, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ở mức nhiệt này, người dân có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số nóng bức ở mức dưới 27 là an toàn; từ 27-32 là ở mức cẩn trọng, có thể gây mệt mỏi nếu duy trì tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài; từ 32-41 thuộc mức đặc biệt cẩn trọng, có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Khi chỉ số này ở mức 41-54 là nguy hiểm, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Chỉ số trên 54 là cực kỳ nguy hiểm, người dân rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt ở ngoài trời.
Trong ngày 27/7, các tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ số tia cực tím (UV) cực đại duy trì ở mức nguy cơ gây hại rất cao, xảy ra trong khoảng 11-13 giờ gồm: thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 9.3, thành phố Hải Phòng ở mức 9.6, Thủ đô Hà Nội ở mức 9.5, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) 9.8, thành phố Đà Nẵng ở mức 10, thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 9.5, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ở mức 10.2, Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 9.4, thành phố Cần Thơ ở mức 9.5, thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.9. Tia UV có mức chỉ số từ 7.5-10.4 có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút.
Từ 28-30/7, các tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ số tia UV cực đại duy trì ở mức nguy cơ gây hại cao và rất cao; ngoại trừ Hải Phòng ngày 30/7 có nguy cơ gây hại trung bình.