Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân nhấn mạnh, không gian mạng là không gian ảo, hình thành từ mạng lưới kết nối của các mạng bao gồm: internet, mạng viễn thông, hệ thống máy tính, bộ xử lý và điều khiển, chứa đựng cơ sở dữ liệu, phản ánh hoạt động của con người, không giới hạn về không gian, thời gian. Thời đại không gian mạng với các hệ thống thực ảo kết hợp, con người đang khai phá một không gian mới vô tận, tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng nhiều các công nghệ mới, tiên tiến hơn sẽ xuất hiện. Khi đó, không gian mạng sẽ trở thành một không gian hiện hữu trong đời sống thường ngày, gắn chặt với công việc, thời gian, tâm tư, tình cảm của con người. Tuy nhiên, không phải mọi thứ trên không gian mạng đều an toàn, đáng tin cậy, văn minh và tuân thủ theo luật pháp; sức phá hoại, sự nguy hiểm của tin giả trên không gian mạng rất lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu trao đổi về các vấn đề: Cơ sở lý luận, pháp lý, cơ sở thực tiễn về vấn đề tin giả trên không gian mạng; công tác đấu tranh phòng, chống tin giả trên không gian mạng; các giải pháp đấu tranh phòng, chống tin giả trên không gian mạng. Qua đó, khẳng định tầm quan trọng của việc ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng; đưa ra các đề xuất để phát hiện, xử lý tin giả trên không gian mạng. Các báo cáo tham luận tập trung nghiên cứu và phát triển các giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và ngăn chặn tin giả trên mạng một cách chính xác, hiệu quả hơn; nghiên cứu về giáo dục và nâng cao nhận thức của người dùng mạng. Hội thảo là diễn đàn tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và Chính phủ để đưa ra các giải pháp toàn diện, bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng đến xã hội.
Chia sẻ về vấn đề tin giả trong kỷ nguyên truyền thông xã hội, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã đưa ra cơ chế phòng, chống, hạn chế tin giả. Cụ thể, cần thành lập các bộ phận, nhóm làm việc hoặc thiết kế không gian theo cách thức nhất định để kiểm chứng thực tế hay xác minh sự thật; nâng cao kiến thức để mọi người hiểu được chức năng của truyền thông trong xã hội, có khả năng đánh giá nghiêm túc nội dung và tương tác với truyền thông một cách đúng đắn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật trong phòng, chống tin giả.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích, chỉ rõ ảnh hưởng, hậu quả của việc đưa tin giả trên không gian mạng; các tin này ảnh hưởng đến xã hội và gây hậu quả đến nền kinh tế. Từ đó, các cơ quan chức năng cần hạn chế ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng. Thực tế thời gian qua, việc xử lý tin giả được các cơ quan chức năng quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ tuy nhiên tình trạng phát tán tin giả, tin xấu, độc vẫn diễn biến phức tạp.
Giáo sư Lê Văn Lợi đề xuất, các cơ quan chức năng cần chuyển từ tư duy “zero fake news” sang tư duy quản trị, rủi ro, tạo các khung, cơ chế, thể chế để điều chỉnh, chủ động giảm thiểu ảnh hưởng của tin giả lên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí trong vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội; cung cấp thông tin chính xác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong đấu tranh với “vấn nạn” tin giả…