Ngày 28/6, người lao động tỉnh Bắc Ninh đi làm việc bình thường
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản được kiểm soát. Để các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành và các địa phương bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc bình thường từ ngày 28/6; đồng thời nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) và các biện pháp phòng, chống, dịch COVID-19. Thủ trưởng các quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cơ quan, đơn vị, địa phương có người lây nhiễm do không nắm vững về quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với địa bàn thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trực tuyến tại nhà cho đến khi hết thời gian cách ly xã hội theo quy định.
Từ ngày 5/5 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 1.560 ca mắc COVID-19. Từ ngày 25/6, tỉnh Bắc Ninh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng đợt 1 năm 2021 với 60.000 liều.
Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ nhân, vật lực cho Phú Yên và Bình Thuận
Ngày 25/6, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Thuận, Viện Pasteur Nha Trang (trụ sở tại Khánh Hòa) đã cử 2 đoàn công tác chi viện cho 2 tỉnh để hỗ trợ các công tác phòng, chống dịch. Đoàn công tác tại Phú Yên gồm 8 người, tại Bình Thuận 6 người. Hai đoàn tập trung hỗ trợ cho địa phương về tham mưu công tác phòng, chống dịch COVID-19; triển khai công việc tại thực địa, phòng xét nghiệm; hướng dẫn thành lập, vận hành tổ COVID-19 cộng đồng và tham gia điều tra truy vết các đối tượng nghi ngờ mắc COVID-19 trên địa bàn mỗi tỉnh; hỗ trợ hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm…
Đối với tỉnh Phú Yên, Viện Pasteur Nha Trang thiết lập 1 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên để tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 và phòng này sẽ đi vào hoạt động vào ngày 26/6. Cùng với đó, viện cũng hỗ trợ hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm 2.000 mẫu bệnh phẩm. Với tỉnh Bình Thuận, Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao cho xét nghiệm 1.000 mẫu bệnh phẩm.
Trước đó, vào tháng 5, dưới sự kêu gọi của Bộ Y tế, Viện Pasteur Nha Trang đã chi viện nhân lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho tỉnh Bắc Giang. Thông qua sự chi viện trên, tỉnh Bắc Giang đã thành lập thêm phòng xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Sản-Nhi với năng lực xét nghiệm 700 mẫu/ngày và đào tạo cho hơn 10 cán bộ y tế về hoạt động xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã chỉ đạo các đơn vị từ 12 giờ, ngày 25/6, kích hoạt, tổ chức lại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ 27C (đi Lâm Đồng), Quốc lộ 26 (đi Đắk Lắk) thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa; kiểm soát chặt chẽ toàn bộ phương tiện và người đi đến, về Khánh Hòa từ tỉnh, thành phố có dịch.
Từ 0 giờ ngày 26/6, tất cả các quán ăn trên các tuyến quốc lộ (đoạn thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) chỉ bán mang về.
Tính đến 17 giờ 25/6, toàn tỉnh Khánh Hòa đang cách ly, điều trị 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng
Chiều ngày 25/6, Bộ Tài chính và Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 tổ chức lễ tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng ủng hộ Quỹ từ 8 nhà tài trợ. Trong số đó, Tổng cục Thuế ủng hộ 5,346 tỷ đồng; Công ty Honda Việt Nam ủng hộ 12 tỷ đồng; Công ty TNHH AEON ủng hộ 25 tỷ đồng; Tập đoàn SK ủng hộ trên 23 tỷ đồng, Công ty cổ phần Giải trí và Thể thao điện tử Việt Nam hơn 23 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ sự cảm ơn tấm lòng của các nhà tài trợ đã chung tay góp sức cùng với cả nước chống lại đại dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng, con số ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 đến ngày 11h ngày 25/6 là khoảng 7.600 tỷ đồng.
Theo tính toán, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine cho 75 triệu dân, tức khoảng 150 triệu liều vaccine. Kinh phí mua, bảo quản và tiêm số này vào khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng nhấn mạnh, nguồn lực của quỹ cùng với ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo con số 25,2 nghìn tỷ đồng này để mua vaccine tiêm cho toàn dân Việt Nam.
“Từ khi Chính phủ phát động ủng hộ tới nay, quỹ đã nhận được sự ủng hộ bằng nhiều hình thức như tin nhắn, chuyển khoản, tiền mặt… Việc ủng hộ quỹ đã trở thành một phong trào hết sức nhiệt tâm của toàn xã hội”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết sẽ quản lý, sử dụng quỹ hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất và chỉ sử dụng để nhập, mua, tiêm và nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Việc quản lý, sử dụng quỹ cũng được công khai, minh bạch trang website của quỹ từ việc tiếp nhận ủng hộ, xuất quỹ để mua vaccine, quyết toán với Bộ Y tế…
Đặc biệt, các doanh nghiệp ủng hộ quỹ vaccine sẽ được kê khai khấu trừ giảm chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
TP Hồ Chí Minh thông qua gói hỗ trợ 886 tỷ đồng
Ngày 25/6, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết dự chi khoảng 886 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ đã ban hành và đề ra giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn để giải pháp này trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương về một số chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động bởi dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.
Cụ thể, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị áp dụng biện pháp cách ly y tế và người đang điều trị COVID-19 theo mức 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ăn cho người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch 120.000 đồng/người/ngày.
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh) có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/6/2021 đến hết 31/12/2021 sẽ được trợ cấp một lần 1,8 triệu đồng/người.
Người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học… bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ một lần 1,8 triệu đồng/người.
Trong các trường hợp trên, riêng đối với lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người và chỉ hỗ trợ mẹ hoặc cha. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố để kiểm soát dịch COVID-19 (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng) với mức hỗ trợ 1 lần 2 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho thương nhân tại các chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng trong phạm vi chợ); có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế với Nhà nước với các mức từ 150-300 nghìn đồng/điểm kinh doanh/tháng (tùy theo hạng mức chợ), thời gian hỗ trợ 6 tháng (từ tháng 7/2021 đến hết tháng 12/2021).
Thành phố hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người đối với người lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là người lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn, có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/tháng, làm một trong các công việc như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, bán vé số lưu động, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm việc tại một số địa điểm phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, trong công tác chăm lo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ trên 69 tỷ đồng cho hơn 69.000 người lao động của 2.291 doanh nghiệp bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Ngoài ra, thành phố hỗ trợ hơn 13 nghìn giáo viên, nhân viên các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không lương với số tiền trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 17 nghìn lao động tự do mất việc, gặp khó khăn do dịch bệnh với số tiền gần 17 tỷ đồng từ Quỹ Phòng, chống COVID-19 thành phố.
Đà Nẵng còn những lỗ hổng trong phòng, chống dịch COVID-19
Sau hơn 30 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, Đà Nẵng cơ bản “sạch” COVID-19, chính thức trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động thiết yếu dần được cho mở cửa trở lại. Nhưng niềm vui chưa kéo dài bao lâu, đến chiều 18/6, Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng. Không khí căng thẳng bao trùm toàn thành phố, lực lượng tuyến đầu và người dân lại thêm lần nữa lao vào trận chiến chống dịch.
Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thông tin, bệnh nhân 12437 có tiếp xúc với 3 người giao hàng từ TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong 3 người này có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân 12190.
Trong ngày 10/6, 3 người này vào Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng, đi qua chốt kiểm dịch ở Quốc lộ 1A nhưng không có lực lượng chức năng chặn lại. Xe này đi thẳng đến Công ty nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) giao hàng, sau đó về lại Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 2 giờ cùng ngày.
Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc này, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan là chính. Nếu xe tải từ Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát, thì sẽ không có khả năng để xảy ra chu kỳ lây nhiễm trong những ngày qua và chúng ta không có hậu quả lớn như thế này”.
Trước đó, trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố luôn nhận định đợt dịch này không giống như lần trước, bởi tình dịch COVID-19 trên cả nước rất phức tạp. Đà Nẵng đã “sạch” COVID-19 trong nội đô thành phố, nhưng nguy cơ dịch lây nhiễm từ bên ngoài vẫn còn rất cao.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thường xuyên yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương không được chủ quan, lơ là, đặc biệt các lực lượng làm việc ở chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố phải luôn kiểm soát chặt chẽ, không để lọt trường hợp nào từ vùng dịch vào thành phố.
Việc kiểm soát dịch chặt từ bên ngoài, đặc biệt tại các chốt kiểm dịch là yếu tố để giữ cho thành phố “sạch” COVID-19 đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và có những lưu ý cảnh giác.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, việc kiểm soát con người rất khó, do vậy phải có cơ chế, quy định hướng dẫn rõ ràng, giám sát chặt chẽ từng người, đối tượng. Đơn cử như các xe vận tải từ vùng dịch vào thành phố phải kiểm soát từng người, yêu cầu lái xe tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch và có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện, tất cả các chốt kiểm soát dịch bệnh Đà Nẵng đều triển khai khai báo y tế online, kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra khai báo tự động theo mã QR. Tuy nhiên, rất nhiều tài xế chưa chủ động thực hiện khai báo online nên dẫn đến kẹt xe kéo dài. Nguyên nhân là do các tài xế không thực hiện khai báo y tế điện tử trước mà đến chốt kiểm dịch mới truy cập để khai báo.
Theo Trung tá Võ Cư, Phó trưởng trạm Cảnh sát giao thông Hòa Phước, hiện nay, việc khai báo y tế và kiểm tra mã khai báo đều được thực hiện tự động. Tuy nhiên, nhiều tài xế còn bị động, chỉ đợi tới chốt mới bắt đầu khai báo.
Ngoài lỗ hỏng ở các chốt kiểm dịch, điều đáng lưu ý là một số bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Trước khi có ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận vào ngày 18/6, các quán ăn uống mở lại, người dân vẫn rất chủ quan, tụ tập đông người vi phạm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Một số quán nước, nhà hàng có người ngồi chật cứng, chen nhau ăn uống, mở vượt quá 21 giờ theo quy định của Đà Nẵng. Mặc dù, tình hình vi phạm diễn ra ở nhiều nơi nhưng một số chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, không có biện pháp xử phạt quyết liệt.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, so với tình hình thực tế, việc xử phạt vẫn còn ít. Nếu những quy định đề ra không thực hiện nghiêm, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp khó khăn, không tạo ý thức cho người dân.
Ngoài những vấn đề trên, công tác quản lý người cách ly tại nhà, một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm ngặt. Đơn cử, trong chiều 22/6, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 là chị N.T.C. (sinh năm 1991, trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).
Trước đó, chị N.T.C. có đi mua cơm tại quán của vợ bệnh nhân số 12437. Trường hợp này đã được địa phương bắt buộc cách ly tại nhà, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, do đau mỏi người, nên chị N.T.C. đã tự ý đi đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng để khám, xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hay như tại khu tam giác điểm nóng dịch bệnh Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ, người dân vẫn còn rất chủ quan, mặc dù hiểu rõ nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trong những ngày qua, sau khi kiểm tra công tác kiểm soát dịch tại khu vực tam giác, cho thấy có nhiều yếu tố có thể gây lây lan dịch trong khu vực này, như việc một số người dân vẫn tụ tập, không mang khẩu trang; vẫn có tình trạng mua bán giữa trong và ngoài, điều này có nguy cơ phát tán lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài khu tam giác…
Tính từ ngày 18/6 đến 17 giờ ngày 23/6, Đà Nẵng ghi nhận 62 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, có liên quan đến bệnh nhân 12437 (bệnh nhân đầu tiên tính từ ngày 18/6). Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa 10 điểm nóng trên địa bàn 9 phường, 4 quận. Trong đó, phong tỏa khu vực tam giác Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ, biến khu tam giác này thành nơi cách ly tập trung, thực hiện như Chỉ thị 16 của Chính phủ.