Tại Nghệ An, công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm được xác định bao gồm: đê điều, hệ thống tiêu úng lớn, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền. Với công trình đê điều, phương án bảo vệ được xây dựng chi tiết đối với các tuyến đê quan trọng là đê Tả Lam và các tuyến đê sông, đê biển cấp IV, V, đê cửa sông. Trong đó, đê Tả Lam là tuyến đê quan trọng nhất của tỉnh Nghệ An, do UBND tỉnh trực tiếp quản lý; gồm: đê cấp II dài 44,22 km, đê cấp III dài 11,920 km, đê cấp IV dài 11,378 km. Đây là tuyến đê ngăn lũ sông Cả, bảo vệ khu vực Đông Nam tỉnh gồm các huyện từ Đô Lương đến thành phố Vinh; trong đó có nhiều khu kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội quan trọng.
Để phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, địa phương đã huy động lực lượng của các ngành, cấp, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng tình nguyện và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, các lực lượng này đều được đào tạo, tập huấn, huấn luyện để bổ sung những kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về phòng, chống thiên tai.
Năm 2023, phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh xác định tổng nhân lực huy động ứng phó là khoảng 159.264 người, bao gồm các lực lượng như: quân đội, bộ đội biên phòng, công an, y tế, thanh niên tình nguyện, hội chữ thập đỏ, dân quân tự vệ, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp, lực lượng quản lý đê…
Nghệ An là tỉnh trọng điểm của cả nước luôn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai; trong đó có hạn hán, mưa bão… Hàng năm, địa phương thường gánh chịu từ 2 - 3 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp, chiếm 19% tổng số cơn bão đổ bộ vào Việt Nam. Năm 2022, do ảnh hưởng của thiên tai, địa bàn đã có 12 người bị chết; 100 nhà bị sập; 990 nhà bị hỏng, tốc mái; 322 nhà phải di dời khẩn cấp. Thiên tai còn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế và các cơ sở vật chất khác. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.