Nghị định 46/CP sửa đổi quy định tăng nặng mức xử phạt để răn đe

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành của người tham đi đường nhờ vào việc tăng mức xử phạt. Nhưng sau 2 năm thực thi đã bộc lộ nhiều khó khăn trong công tác xử phạt của lực lượng chức năng, đòi hỏi sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe.

"Vênh" thực tế

Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thi hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ ngày 10/4 tại Hà Nội, đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) nêu thực tế: Hiện nay, mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân, mức phạt này thấp hơn so với mức phạt tiền của đường sắt, đường thủy nội địa, trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm đường bộ cao hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông Đội 4 (Công an TP Hà Nội) lập biên bản xử phạt người vi phạm. Ảnh: Tiến Hiếu.

Một số hành vi vi phạm như: Nồng độ cồn, lạm dụng chất ma túy, đi ngược chiều vào đường cao tốc... có tính chất, mức độ nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (qua hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc ngay đầu năm nay), nhưng quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng hoặc từ 22 - 24 tháng theo Nghị định là chưa đủ sức răn đe.

Đáng chú ý, nhiều hành vi vi phạm trong thực tế chưa thể xử lý vì thiếu phương tiện kỹ thuật như: Vi phạm khí thải, âm lượng còi, độ ồn, lắp thêm đèn chiếu sáng trước xe ô tô gây ảnh hưởng, mất an toàn đối với xe đi ngược chiều... vẫn chưa được quy định trong Nghị định 46/CP để xử phạt.

“Không ít người tham gia giao thông có ý thức chấp hành luật hạn chế, mang tính chất đối phó, không hợp tác, trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng và chống đối người thi hành công vụ, nhưng mức độ xử phạt khiến người vi phạm nhờn luật...”, đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra khẳng định.

Thừa nhận về quy định đối với người điều khiển chứng kiến khi lập bên bản vi phạm hành chính còn tồn tại nhiều khó khăn và vướng mắc, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (C08) cho rằng, tìm thêm một người làm chứng để ký vào biên bản lập hành vi vi phạm của chủ xe là không cần thiết; đồng thời, gây bức xúc cho lái xe phải chờ đợi để hoàn tất thủ tục, phức tạp cho các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ như chủ xe, người vi phạm không đến nhận còn rườm rà, phức tạp, dẫn đến tình trạng số lượng phương tiện tạm giữ bị tồn động lớn, gây lãng phí cho xã hội, tăng áp lực đối với cơ quan thực thi công vụ.

“Tình trạng khiếu nại trên mạng xã hội nhiều, trung bình 1 ngày, Cảnh sát giao thông phải xử lý trên 10 trường hợp khiếu nại, nhiều trường hợp anh em thực thi công vụ làm đúng cũng bị kiện, do vậy cần phải sửa Nghị định 46/CP vì người xử phạt và người vi phạm còn chưa đồng nhất”, đại diện C08 cho hay.

Tăng nặng mức phạt, xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nếu chỉ sửa đổi Nghị định 46/CP, mà không sửa đổi các Luật, Nghị định khác liên quan, thì hiệu quả của Nghị định này sẽ không cao.

Chú thích ảnh
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

“Giữa các cơ quan chức năng Nhà nước hiện chưa xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất chung về xử lý vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm, nên rất khó xác định đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm và chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định cần tập trung vào các giải pháp khác tuyên truyền, đánh nặng vào ‘túi tiền’ người vi phạm”, ông Minh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, số lượng hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thấp, nhiều trường hợp thanh tra viên không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mà do Chánh Thanh tra Sở, thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ thực hiện. Do đó, Tổng cục kiến nghị cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ cho Đội trưởng Đội nghiệp vụ Thanh tra Sở GTVT, cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực hay các đơn vị thuộc Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đại diện các cơ quan Nhà nước kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng đối với cá nhân; tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước bằng lái vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép theo thủ tục hành chính, để đảm bảo tính khả thi hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm có thẩm quyền được tạm giữ xe để ngăn chặn hành vi có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Đại diện các cơ quan liên quan cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/CP theo hướng điều chỉnh mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi như: Vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc; sử dụng nồng độ cồn và lạm dụng chất ma túy...

Hiện nay, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải chưa được ban hành. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định, thuận lợi cho người dân và lực lượng chức năng, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/CP được ban hành vào Nghị định 86 sau khi ban hành.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông đã “ngấm” vào người dân
Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông đã “ngấm” vào người dân

Tại cuộc họp Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông tháng 8/2016, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định với chế tài phạt nặng của Nghị định 46/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) người dân đã biết sợ lái xe ngay sau khi uống rượu, bia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN