Lẽ ra lúa chất lượng cao là loại lúa phục vụ xuất khẩu phải đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, ngược lại, nông dân Trà Vinh có lúc phải bán lúa chất lượng cao với giá lúa thương phẩm bình thường, mặc dù chi phí đầu tư, công sức lớn hơn nhiều lần…Kết quả thống kê tại 66 mô hình Tổ hợp tác sản xuất (HTSX) của 30 xã với gần 2.000 thành viên tham gia quản lý trên diện tích 1.620 ha, được dự án nâng cao đời sống tỉnh Trà Vinh hỗ trợ đầu tư, cho thấy: g iá trị lợi nhuận mà nông dân thu về khoảng 46% mặc dù nông dân đóng vai trò là người tạo ra sản phẩm hàng hóa. Trong khi đó giá trị lợi nhuận trên 42% tập trung vào các doanh nghiệp, nhà máy xay xát, còn lại 12% lợi nhuận thuộc về thương lái.
Anh Trần Quốc Vân – Tổ trưởng tổ HTSX Dân Tiến ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, cho biết: Hiện nay tại tổ của anh có 58 thành viên với gần 50 ha đất sản xuất, mỗi vụ sản xuất trên 300 tấn lúa hàng hóa. Tuy nhiên phần lớn thành viên trong tổ tự tìm và bán ra thị trường, việc liên kết với phía Công ty lương thực hay doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm vẫn chưa thực hiện được. Giá trị sản phẩm lúa hàng hóa chủ yếu phụ thuộc vào thương lái.
Khó khăn hiện nay là người nông dân khi sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, nhưng mặt bằng giá không lãi nhiều so với các giống lúa như IR 50404, Cửu Long 8, Hàm Châu và nhiều lúc lúa chất lượng thấp lại được thương lái (thông qua sự điều phối của doanh nghiệp) mua ngang bằng với lúa chất lượng cao. Nhiều nông dân cho biết: Nếu so sánh với giống IR 50404- một loại giống được dùng phổ biến ở địa phương thì, chi phí đầu tư ban đầu là nguồn giống đối với giống lúa chất lượng cao gần gấp đôi, thời gian thu hoạch kéo dài hơn từ 10- 15 ngày, năng suất lúa chất lượng cao thường thấp hơn khoảng 1 tấn/ha. Trong khi đó, nông dân có lúc phải bán lúa chất lượng cao với giá lúa bình thường.
Trên thực tế, việc triển khai mô hình liên kết “bốn nhà” trong tiêu thụ lúa gạo của nông dân vẫn chưa đồng bộ và chưa thực sự phát huy hiệu quả. Phần lớn nông dân phải thông qua thương lái trong tiêu thụ lúa gạo. Việc tạo ra mặt bằng giá cả, đánh giá chất lượng sản phẩm luôn phụ thuộc vào thương lái. Nông dân chưa làm chủ và nắm bắt kịp với nhu cầu thị trường về chủng loại lúa hàng hóa, thông qua việc công bố các loại giống để sản xuất theo yêu cầu của phía doanh nghiệp.
Tại Trà Vinh, diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 220 ngàn ha với trên 85% người dân sinh sống bằng nông nghiệp. Giá trị sản xuất hàng hóa của nông dân vẫn luôn phụ thuộc vào thị trường do thương lái chi phối. Nguyên nhân chính vẫn là do sự liên kết giữa “các nhà” thiếu chặt chẽ, nông dân vẫn sản xuất những thứ đang có chứ chưa theo kịp nhu cầu thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tín – tổ trưởng Tổ HTSX Đoàn Kết, xã Đại Phước, huyện Càng Long nói: Hiện nay phần lớn người dân “tự bơi” từ sản xuất cho đến đến tiêu thụ lúa hàng hóa. Nhà nước và vai trò các doanh nghiệp đầu mối như Công ty lương thực nên có sự ký kết, hợp đồng cho nông dân thông qua các tổ HTSX…để từ đó các thành viên trong tổ và nông dân có định hướng trong đầu tư sản xuất ra sản phẩm mà thị trường đang cần, các giống lúa chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhà xuất khẩu.
Hiện có đến hàng chục loại giống lúa khác nhau cho nông dân lựa chọn. Chọn loại giống nào phụ thuộc rất nhiều ở từng nông dân qua nắm bắt thị trường, hoặc do điều kiện người nông dân không liên kết được thị trường đầu ra nên phải chọn các giống lúa sản xuất ngắn ngày (giống IR 50404…) phục vụ thị trường nội địa nhưng vẫn đảm bảo năng suất, lợi nhuận cao, chi phí sản xuất thấp.
Bên cạnh đó là việc tìm và đưa vào sử dụng các loại giống lúa chất lượng cao trong sản xuất, giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu còn nhiều bất cập. Trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về giống, cũng như chính sách thu mua lúa thương phẩm chất lượng cao so với lúa thường, mạng lưới cung ứng giống tốt vẫn chưa được triển khai thì mục tiêu lúa chất lượng cao vẫn còn ... xa lắm !
Lê Hiền