Những ngày này đang mùa đánh bắt ruốc, bất chấp sóng to, gió lớn, nhiều ngư dân ở vùng biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vẫn dong thuyền ra khơi đánh bắt ruốc gần bờ. Do phương tiện thô sơ, lại không trang bị đồ bảo hộ để chống chọi khi biển động nên nhiều người phải tử nạn, để lại mất mát lớn cho người thân, gia đình. Sự nguy hiểm khôn lường Những ngày này, về vùng biển Bình Hải, lẫn trong sự tất bật của mùa đánh bắt ruốc là không khí tang thương ở xóm vạn. Đó là những khuôn mặt buồn, nước mắt rơi đẫm tiếc thương cho sự ra đi đột ngột của người thân.
Chúng tôi ghé nhà ngư dân Huỳnh Văn Minh, 51 tuổi thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn khi hoàng hôn vừa tắt. Rót trà mời khách, anh Minh bàng hoàng kể: Ngày 17/11, cả 6 người chúng tôi đi trên một chiếc ghe công suất 20CV (do anh làm chủ ghe) để ra biển bủa mành đánh bắt ruốc gần bờ. Lúc đang hành nghề ở khu vực cách bờ 2 hải lý thì gặp sóng cao đến hơn 5m, đánh ầm một phát, tàu nát vụn. May mắn thay, một người trong số chúng tôi bơi dưới thúng nên không bị sóng dập. Trước sự sống còn, 5 người trên ghe phải liều mình nhảy xuống biển tìm cách bơi vào bờ. Bơi một lúc thì trèo lên được thúng. Tiếp đó sóng đánh mạnh lần nữa, thúng chìm 6 người bị hất ra xa. Hơn nửa tiếng đồng hồ trôi dạt mới được ngư dân phát hiện cứu vớt. Riêng Phạm Duy Phước (26 tuổi) không biết bơi nên bị cuốn mất tích, ngày sau mới tìm thấy thi thể.
Mùa biển động vẫn còn kéo dài, sự chủ quan của ngư dân là rất nguy hiểm, nó trực tiếp đe doạ đến tính mạng của họ. Ảnh: TTXVN |
Đối với ngư dân nơi đây, cái chết không còn là gì quá xa lạ khi gần như ngày nào họ cũng phải đối mặt với nó để kiếm cái ăn. Nhưng Phước ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ khiến cho những ai có trái tim sắt đá đến mấy cũng đôi chút chạnh lòng. Đặc biệt, vợ con anh giờ đây vĩnh viễn mất đi một trụ cột. “Phước không biết bơi nhưng làm nghề rất giỏi...”, ngư dân Huỳnh Văn Minh nghẹn ngào kể.
Được biết, chiếc ghe bị nạn do anh Minh mua lại của người bà con với giá 70 triệu đồng. Sử dụng nhiều năm rồi nên ghe cũ kỹ, không chịu nổi áp lực mạnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng.
Phương tiện chính để ra khơi không còn, những ngư dân sống sót trở về sau cuộc giằng co với tử thần chưa biết tìm công việc gì. Đối với họ, biển là nguồn sống vô tận từ bao đời, không gì thay thế.“Mỗi ngày đi biển, khá thì được vài trăm, ít thì được vài chục trang trải. Nhưng nghề này hiểm họa không lường trước”- Ngư dân Huỳnh Xuân Bá tâm sự.
Không được chủ quan
Ông Bùi Trạng, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Toàn xã có 204 tàu chuyên đánh bắt gần bờ, trong đó có 72 tàu công suất 20 CV, 132 tàu công suất trên 20CV. Xã đã nhiều lần tuyên truyền ngư dân cải hoán, đóng mới tàu ghe theo Nghị định 67 của Chính phủ để đảm bảo độ an toàn khi vươn khơi nhưng ngư dân không chịu đóng vì họ quen với kiểu đánh bắt truyền thống này rồi. Cá cược mạng sống với cuộc mưu sinh là rất nguy hiểm, nhất là khi biển động.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vùng biển Bình Sơn nằm về phía Bắc của tỉnh nên là nơi đón nhận đầu tiên ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (ngư dân một số nơi quen gọi là gió chướng). Thường thì nó xảy ra với tần suất 12 đợt/năm. Gió mùa Đông Bắc thường kèm theo giông, lốc xoáy nên tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người đi biển. Nếu sinh cường độ mạnh thì càng nguy hiểm hơn.
Cũng theo ông Sỹ, Đài cũng đã thông báo về cấp gió để ngư dân biết đề phòng, nếu thấy đủ sức chống chịu thì mới ra khơi. Thế nhưng, phần lớn ngư dân hành nghề đánh bắt gần bờ không quan tâm đến điều này, ý thức còn kém, họ ỷ lại vào khả năng bơi lội của bản thân nên không trang bị áo phao, đồ bảo hộ cần thiết, khi xảy ra tai nạn trên biển là không phản ứng kịp.
Mùa biển động vẫn còn kéo dài, sự chủ quan của ngư dân là rất nguy hiểm, nó trực tiếp đe doạ đến tính mạng của họ. Tuy muộn nhưng đã đến lúc, những người bám biển, gắn biển phải thay đổi lại nhận thức và tuân thủ nghiêm những quy định khi hành nghề…
Lê Phước Như Ngọc