Trước đó, tối 9/10, nhà trường nhận được thông tin một số học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn. Đến sáng 10/10, tiếp tục có hơn 30 học sinh khác cũng có những triệu chứng tương tự. Ngay sau khi nắm thông tin báo cáo của nhà trường, lãnh đạo UBND Quận 4, ngành Giáo dục và Y tế Quận đã đến trường kiểm tra tình hình, hỏi thăm sức khỏe học sinh, tiến hành lấy mẫu thức ăn bán trú ngày 9/10 đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Dự kiến ngày 20/10 tới sẽ có kết quả.
Thực đơn bữa trưa 9/10 của trường gồm các món: Canh bí đao, trứng chiên thịt, cà rốt xào. Theo cô Lê Thị Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, để giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, nhiều năm nay, cô đều ăn trưa như suất ăn của học sinh và sau bữa trưa đó, cô cũng có triệu chứng đau bụng.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã ngưng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh ngày 9/10. Theo lãnh đạo nhà trường, năm học này, trường có hai đơn vị cung cấp suất ăn bán trú. Khi ngưng hợp đồng với một đơn vị, vẫn còn một đơn khác cung cấp suất ăn trưa cho học sinh. Nhà trường đã tổ chức cuộc họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, thông tin chính thức vụ việc; đồng thời, gửi lời xin lỗi tới phụ huynh vì đã để xảy ra sự việc này.
Trường Trung học cơ sở Vân Đồn có hơn 1.000 học sinh ăn bán trú, thông qua bếp ăn công nghiệp.
Thực hiện nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, suất ăn bán trú của học sinh được thu tối đa là 35.000 đồng/học sinh (các quận, thành phố Thủ Đức) và tối đa 32.000 đồng/em (các huyện còn lại). Riêng các suất ăn sáng đối với trẻ mầm non, tiểu học có thể thu tối đa 20.000 đồng/suất/em.