Mùa mưa bão năm nay, gia đình chị Phạm Thị Lành thuộc khu tái định cư thôn 5 Thiết Sơn vẫn chưa thể yên tâm ở trong ngôi nhà của mình. Bởi ngôi nhà của chị Lành và 4 hộ dân khác nằm sát dưới chân đồi đang xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương. Sau mỗi trận mưa lớn kéo dài, đất đá lại tiếp tục trượt xuống, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân nơi đây.
Chị Phạm Thị Lành cho biết, năm 2021, gia đình tôi cùng 19 hộ gia đình khác được hỗ trợ di dời khỏi vùng sạt lở, đến ở tại khu tái định cư này. Nhưng nỗi lo sạt lở vẫn còn đó, khi từ năm 2022 mái taluy dương tại ngọn đồi phía sau lưng ngôi nhà của gia đình đã xuất hiện tình trạng sạt lở, một khối lượng đất đá khổng lồ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều lần gia đình chị phải chuyển đồ đạc có giá trị gửi người thân, rồi xuống bè nuôi cá ở tạm khi có thông báo mưa lớn dài ngày.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, bà Mai Thị Nhật (Sinh năm 1958) cho biết, chúng tôi luôn cảm thấy bất an mỗi khi mùa mưa bão đến, tình trạng sạt lở ngày càng thêm nghiêm trọng. Bà Nhật và nhiều hộ dân tại đây mong muốn chính quyền các cấp cần sớm có phương án xử lý tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân một cách lâu dài.
Dự án Khu tái định cư thuộc thôn 5 Thiết Sơn (xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) được đầu tư xây dựng để đáp ứng nơi ở cho 20 hộ di dân trong trong vùng sạt lở do trận bão, lũ năm 2020. Công trình được thực hiện theo lệnh khẩn cấp, đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 20/8/2021. Người dân đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà ở, dần ổn định cuộc sống và sinh hoạt lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mặt bằng xây dựng, do yếu tố địa hình đồi núi phức tạp, dự án vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mái taluy khi mùa mưa lũ đến.
Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, hiện tại khu tái định cư thôn 5 Thiết Sơn, có 5 hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp và hơn 10 hộ khác có nguy cơ ảnh hưởng từ tình trạng sạt lở mái taluy dương. Mỗi lần mưa lớn kéo dài, chính quyền xã Thạch Hóa thường xuyên cắt cử cán bộ, dân quân tự vệ túc trực, theo dõi sát diễn biến sạt lở; chủ động lên phương án vận động người dân sống dưới chân đồi sạt lở không ở lại trong nhà, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của UBND huyện Tuyên Hóa, hiện trạng thực tế tại hiện trường và hồ sơ thiết kế được duyệt, phần mái taluy của đồi có chiều cao 14 m. Độ cao mái dốc và lớn dễ gây xói lở mái khi mưa lớn, không đảm bảo an toàn cho khu dân cư.
Để khắc phục tình trạng trên, phương án đưa ra là phải giảm độ dốc mái bằng cách đào bạt mái taluy dương thêm 20 m kể từ đỉnh mái hiện tại, chia thành 4 cơ và gia cố rãnh thoát nước đỉnh mái và tại các chân cơ giảm thiểu lượng nước tập trung gây xói lở; nguồn kinh phí dự kiến khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách huyện Tuyên Hóa còn khó khăn, chưa thể cân đối thực hiện dự án, huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đào hạ mái taluy.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, địa phương đã chủ động lên phương án để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng sạt lở. Huyện Tuyên Hóa cũng đã xây dựng được 2 khu tái định cư và đang đề nghị tỉnh Quảng Bình cho xây dựng thêm 3 điểm làm khu tái định cư để di dời, ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Bên cạnh đó, huyện Tuyên Hóa cũng đề xuất tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ kinh phí, triển khai phương án đào hạ mái taluy dương, sớm ổn định cuốc sống người dân thuộc khu tái định cư thôn 5 Thiết Sơn (xã Thạch Hóa).
Tỉnh Quảng Bình địa hình phức tạp, theo thống kê hiện toàn tỉnh có 85 điểm dễ xảy ra sạt lở núi, đe dọa cuộc sống của hơn 1.100 hộ dân; trong đó có 25 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn hẹp, hiện còn nhiều hộ dân vẫn phải sống trong vùng nguy cơ sạt lở, chưa thể di dời, tái định cư lâu dài.
Mới đây nhất, ứng phó với nguy cơ sạt lở do mưa lớn, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã lên phương án hạ thấp độ cao ngọn đồi Hạ Vàng ở thị trấn Phong Nha. Đây là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất tỉnh Quảng Bình, phía dưới đồi Hạ Vàng hiện có 36 hộ với 144 nhân khẩu đang sinh sống.
Phương án xử lý hạ thấp độ cao đồi Hạ Vàng được huyện Bố Trạch triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Diện tích khu vực thực hiện phương án này là hơn 33.000 m2, khối lượng đất đào trên 451.000 m3. Sau khi đồi được hạ độ cao theo đúng thiết kế, đơn vị thực hiện sẽ hoàn thổ lớp đất phong hóa bề mặt để trồng cây giữ đất.