Tuyến đi qua các địa bàn: Huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp. Việc đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình là chủ trương đúng đắn, giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường của thành phố Ninh Bình, tạo kết nối giao thông thông thoáng, tiện lợi cho các phương tiện giao thông không lưu thông qua thành phố, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chỉ mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, tuyến đường tránh này đã bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ thể, tại nhiều điểm trên tuyến bị người dân phá dỡ bo vỉa dải phân cách, san lấp mặt dải phân cách để làm lối đi ngang qua đường, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông gây mất an toàn giao thông.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ Km 0 đến Km 17,1 có gần 20 điểm người dân tự mở lối sang đường và quay đầu xe như: Km 2 + 420, Km 4 +170, Km 5 + 490, Km 5 + 650, Km 15 + 570... Có nhiều điểm người dân mở lối gần với các điểm giao cắt theo thiết kế. Trên thực tế, do mở các lối đi không đúng quy định đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến, có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra.
Thượng tá Đỗ Văn Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, tuyến tránh Quốc lộ 1 thành phố Ninh Bình được thiết kế để phục vụ việc phân luồng các phương tiện đi vào trung tâm thành phố Ninh Bình. Trong quá trình khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc giải tỏa giao thông, tránh ùn tắc giao thông và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự về an toàn giao thông trên tuyến đường tránh này có nhiều diễn biến phức tạp. Thượng tá Đỗ Văn Bình chỉ rõ, hệ thống một số biển báo chưa đồng bộ cộng với việc tuyến đường tránh có dải phân cách rộng, kéo dài các lối mở do đó người dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đường này liên tục tự mở bằng cách phá dỡ bờ bo của dải phân cách làm lối đi để sang đường và quay đầu phương tiện.
Với lưu lượng phương tiện và với tốc độ thiết kế đối với tuyến đường 4 làn xe có dải phân cách giữa để phân chia các chiều đường riêng biệt, việc dỡ bỏ dải phân cách rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và người tham gia giao thông trên đường, tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Hiện nay trên dọc tuyến có tới 17 điểm người dân tự mở để làm lối đi sang đường và quay đầu xe. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông phải thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm khắc phục bằng việc đóng lại các lối mở và giao lại các tuyến đường do các đơn vị, địa phương phát quản lý; phát động các phong trào quần chúng nhân dân bảo quản, bảo vệ tuyến đường không bị người dân tự phá dỡ dải phân cách, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên dọc tuyến.
Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình cho biết: Sở Giao thông Vận tải được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng, tuyến đường được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2018. Trong quá trình khai thác sử dụng, một số người dân sinh sống ven tuyến đã tự ý tháo dỡ dải phân cách giữa để làm lối đi sang đường và quay đầu xe. Sở Giao thông Vận tải với vai trò là chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu nhiều lần khắc phục, tuy nhiên khắc phục được một thời gian người dân lại tiếp tục tháo dỡ, cá biệt nhiều trường hợp còn cản trở việc khắc phục của chủ đầu tư.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình và UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nơi có tuyến đường đi qua cùng lực lượng công an tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm. Sở Giao thông Vận tải với vai trò là chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu khắc phục các điểm người dân tự tháo dỡ dải phân cách mở lối đi. Sau khi khắc phục sẽ bàn giao lại cho địa phương cùng với Sở Giao thông Vận tải để quản lý và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc tháo dỡ dải phân cách.
Ông Minh cũng cho biết, Sở đã có văn bản gửi các địa phương và công an các địa phương đề xuất bố trí camera theo dõi, giám sát trên tuyến đường, đặc biệt là các vị trí dân tự ý tháo dỡ, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo đúng các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông và đảm bảo tài sản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thiết nghĩ, việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông chính là bảo vệ tài sản của Nhà nước, hơn hết là bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường. Để làm tốt điều này, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các địa phương nơi tuyến đường đi qua cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, sử dụng tuyến đường.