Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Tiên Phước đã cử nhiều đoàn cán bộ trực tiếp tuyên truyền để người dân nắm được quy định pháp luật, vận động bà con dừng xây dựng công trình trái phép, tự nguyện tháo dỡ các công trình. Chính quyền xã Tiên Lãnh đã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Tiên Phước đo đạc diện tích các công trình trái phép trong phạm vi lòng hồ Hố Khế, tổng cộng có 62 công trình, 29 hộ vi phạm. Đến nay, qua kiểm tra, 7 hộ dân trong vùng dự án đã tháo dỡ 9 công trình xây dựng trái phép.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, các ban, ngành đoàn thể tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ công trình trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất; không để phát sinh thêm trường hợp xây dựng công trình trái phép mới trên đất nông nghiệp.
Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, cuối tháng 2 vừa qua, khi chính quyền địa phương công bố chủ trương xây dựng dự án hồ thủy lợi Hố Khế tại thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, hàng loạt hộ dân đã ồ ạt đưa phương tiện, vật liệu, xây dựng công trình trái phép như một đại công trường trong vùng dự án. Theo quan sát có khoảng 60 công trình trái phép mọc lên gồm nhà ở, lán trại, công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm…Phần lớn công trình này vừa mới được xây dựng tạm bợ, không đào móng, không đổ bê tông.
Nhiều hộ dân có đất trong khu vực dự án lấy lý do phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt để xây dựng công trình chuồng trại, nhà ở…Tuy nhiên, mục đích chỉ để chờ hỗ trợ, đền bù khi dự án triển khai.
Dự án hồ thủy lợi Hố Khế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng, đây là dự án trọng điểm về phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Phước.