Chương trình “Tết sum vầy” được LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến Xuân về, là hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động của tổ chức Công đoàn. Qua chương trình, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung sức với tổ chức Công đoàn cùng quan tâm, chăm lo tới đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mang Tết đến sớm với người lao động.
Tham gia chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” của hơn 1.000 công nhân lao động, đại diện cho trên 2,5 triệu đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn Thành phố.
Chị Lê Thị Hằng, công nhân Công ty Richy (Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đến Tết sum vầy 2023 từ sớm để tranh thủ mua hàng giảm giá tại chợ Tết Công đoàn. Mỗi người được một phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng. Tranh thủ tôi mua dầu ăn, cặp sách cho con…. Mua đồ tại chợ Tết công đoàn giá khá rẻ, so với cùng chủng loại trên thị trường rẻ từ 20-50%".
Còn chị Nguyễn Thị Dung, làm việc tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long) cho biết: "Hơn 10 năm làm việc tại Công ty, tôi đã 2 lần được tham dự chương trình Tết sum vầy do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức. Năm nay, tôi thấy chương trình Tết Sum vầy của LĐLĐ Thành phố tổ chức rất đông vui và có nhiều đổi mới; nhất là có những gian hàng chợ Tết giảm giá, nhiều mặt hàng đa dạng cho công nhân lao động sắm sửa thêm cho một cái Tết của gia đình đầy đủ hơn. Đặc biệt là phần bốc thăm trúng thưởng, tạo nhiều hứng khởi và niềm vui cho người lao động khi tham dự chương trình…".
Ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của một phận công nhân lao động; đặc biệt là công nhân, người lao động ở các Khu công nghiệp chế xuất; ngành dệt may, giầy da, rắp ráp điện tử. Trước tình hình đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô với chức năng, nhiệm vụ của mình, đã luôn sát cánh cùng với đoàn viên, người lao động, đồng hành với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Công đoàn đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tái cơ cấu lại sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động, tìm kiếm các đơn hàng mới, lĩnh vực mới, để duy trì việc làm, giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã trích từ ngân sách Công đoàn trên 200 tỷ đồng để thăm hỏi, chăm lo, hỗ trợ cho trên 130.000 đoàn viên, người lao động khó khăn, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 50 Mái ấm Công đoàn. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhằm chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Công tác quan tâm, chăm lo đoàn viên, người lao động càng được dấy lên mạnh mẽ với phương châm không để doàn viên, người lao động nào không có Tết. Theo đó, các cấp Công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, doanh nghiệp quan tâm việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Tuy tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, song với tinh thần trách nhiệm, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo tốt các chế độ chính sách, phúc lợi đối với người lao động, như: tiền lương, tiền thưởng; nhiều doanh nghiệp có mức thưởng Tết 2023 cao hơn so với năm trước từ 20 - 30%.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, với tổng số tiển trên 48 tỷ đồng; từ đó tạo sự yên tâm, khích lệ, động viên đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với tổ chức Công đoàn, làm việc với năng suất cao hợn, chất lượng cao hơn.
“Tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” 2023, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã quyết định hỗ trợ, tặng 10.000 xuất quà cho 10.000 Công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố, với tổng số tiền là 5 tỷ đồng; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng dành thời gian, sự quan tâm đến thăm, tặng quà, động viên người lao động; đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô”, ông Phạm Quang Thanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chương trình “Tết sum vầy” do các cấp Công đoàn tổ chức mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết, vui Xuân đầm ấm bên gia đình, người thân. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sâu sắc của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động Thủ đô và cả nước với phương châm “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì đời sống, việc làm của người lao động”, “không để đoàn viên, công nhân lao động không có Tết”, “ở đâu có công nhân lao động gặp khó, ở đó có tổ chức Công đoàn”.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý, năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Các cấp Công đoàn Thủ đô cần quyết tâm cao, động viên toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ các đơn vị phấn đấu hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Tiếp tục quan tâm triển khai các hoạt động thiết thực, phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ… Đồng thời huy động các nguồn lực và mở rộng các hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn để trợ giúp người lao động giải quyết khó khăn và trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.