Hàng ngàn héc ta rừng trồng của người dân Hà Tĩnh bị đổ gãy, thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 10. |
Không kịp thu gom, keo tràm thành củiTheo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 gây ra, trên địa bàn các huyện, thị xã có trên 11.022 ha rừng bị thiệt hại trên 70%; trong số đó có trên 50% là diện tích do các hộ gia đình, cá nhân tự trồng; chủ yếu là keo, bạch đàn, phi lao, cao su… bị gãy đổ.
Kỳ Anh là địa phương có số diện tích rừng trồng bị thiệt hại nhiều nhất, với hơn 20.000 ha. Có những xã như Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, rừng trồng gần như bị xóa sổ hoàn toàn.
Để vớt vát một phần sau bão, người dân đã nỗ lực thu hoạch, nhập cho nhà máy băm dăm (chế biến lâm sản). Tuy nhiên, do chi phí thu gom, vận chuyển cây gãy đổ quá cao và lượng nguyên liệu chở về các nhà máy quá nhiều, các nhà máy thu mua không kịp khiến nhiều hộ dân “sống dở, chết dở”.
Gần 1 tháng trôi qua kể từ hôm sau bão số 10 quét qua, ông Dương Văn Minh, xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên như "chết đứng" khi 20 ha rừng keo nguyên liệu mà gia đình đã và sắp đến kỳ khai thác bị gió bão quật đổ hoàn toàn.
Ông Minh nhẩm tính, trừ tất cả chi phí, 20 ha rừng của ông nếu không gặp bão, khi thu hoạch sẽ giúp gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Để có được số tiền đó gia đình ông đã bỏ công sức, mồ hôi và cả nước mắt trong suốt 8 năm ròng.
“Số keo tràm này đang dần biến thành củi vì không thể thu gom kịp để đưa ra khỏi rừng vì chi phí thuê nhân công, phí thuê xe chở… hiện nay quá cao và điều quan trọng là keo tràm không bán được do nhà máy thu mua dồn ứa quá nhiều. Thời tiết lại lúc nắng, lúc mưa, số cây đổ gãy không thu gom kịp là hỏng hết”, ông Minh xót xa.
Cũng theo người dân chịu thiệt hại nặng về rừng trồng cho biết, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản về việc thu gom, thu mua nguyên liệu rừng trồng bị gãy đổ do cơn bão số 10, thế nhưng những cánh rừng đổ nát này hiện có nguy cơ biến thành củi…
Lý do là ngoài thiếu thốn nhân lực, chi phí thuê thu gom cao hơn bình thường, thì thủ tục kiểm đếm, xác nhận, xuất bán còn quá rườm rà, gây mất thời gian, khiến một bộ phận nhân dân chậm thu gom được cây gãy đổ sau bão một thời gian dài.
“Để bán được 1 xe keo (20 tấn), tôi phải thuê nhân công mất 300.000 đồng/tấn, 1,5 triệu tiền tăng bo (chở) từ rừng ra, 6,5 triệu tiền thê xe vận chuyển về nhà máy… Đó là chưa tính đến tiền giống, công sức trồng chăm sóc 8 năm qua. Giờ không thu gom đi bán thì xót, bán thì bị lỗ”, ông Nguyễn Đình Thân, ở Lộc Yên, huyện Hương Khê buồn bã cho biết.
Xe chở keo tràm vật vã ở nhà máy chờ nhập hàngTrước thực trạng người trồng rừng thu gom gỗ keo tràm đổ gãy sau bão mong vớt vát lại chút vốn hàng năm trời bỏ công bảo vệ chăm sóc, tuy nhiên, thu hoạch được keo rồi mang đến nhà máy để bán cũng không phải là việc dễ dàng, các xe tải nhận chở keo tràm bán giúp cho các hộ dân cũng đứng ngồi không yên vì lượng lượng hàng đổ về các nhà máy thu mua là quá "khủng".
Trong khi đó, ở cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) hiện có 3 - 4 nhà máy băm dăm chưa thể khắc phục hoàn toàn hệ thống điện, khó đáp ứng khối lượng thu mua. Các cơ sở thu mua, chế biến khác thì công suất hoạt động, năng lực thu mua quá khiêm tốn.
Tại nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng, xuất khẩu Kỳ Anh những ngày này có đến hàng chục xe tải chất đầy keo nối đuôi nhau nằm la liệt phía trong khuôn viên và cả ngoài cổng để chờ nhập hàng. |
Theo ghi nhận tại nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng, xuất khẩu Kỳ Anh (thuộc công ty TNHH Thanh Thành Đạt, ở xã Kỳ Tân), những ngày này có đến hàng chục xe tải chất đầy keo nối đuôi nhau nằm la liệt phía trong khuôn viên và cả ngoài cổng để chờ nhập hàng.
Móc võng nằm chờ “đến lượt” cân hàng, anh Nguyễn Văn Hải, một tài xế ở tỉnh Quảng Bình cho biết: “Số lượng xe chở keo về ngày một nhiều, xe tôi đã nằm chờ ở đây 7 ngày rồi nhưng vẫn chưa nhập được hàng. Nếu có thêm các cơ sở khác thu mua thì mới giảm tải được việc tắc ứ như thế này”.
Theo tìm hiểu, sau bão, trung bình mỗi ngày có trên có 150 xe chờ nhập hàng; không chỉ ở trong tỉnh Hà Tĩnh mà các xe chở keo từ huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, thuộc tỉnh Quảng Bình cũng đều đổ xô về đây, khiến nhà máy Chế biến gỗ tiêu dùng, xuất khẩu Kỳ Anh bị quá tải.
Trước đó, để giảm bớt khó khăn cho người dân trồng rừng bị thiệt hại nặng nề sau bão số 10 gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi doanh nghiệp chế biến lâm sản thu mua cây lâm sản đổ gãy vì bão giúp người dân với giá cả hợp lý. Ngay sau đó các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã cam kết thu mua.
Ông Trần Quang Luận - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt - cho biết, sau bão số 10, 3 nhà máy chế biến lâm sản của Công ty ở xã Kỳ Tân huyện Kỳ Anh, xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Khu Công nghiệp Nam Cấm ở tỉnh Nghệ An đã thu mua tối đa nguyên liệu là gỗ keo, tràm bị đổ gãy do bão giúp người dân tỉnh Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, do kho bãi hẹp, công suất nhà máy có hạn, mà lượng nguyên liệu chở đến quá khổng lồ nên thu mua không kịp, dẫn đến ùn ứ hàng trăm xe tại nhà máy. Hiện mỗi ngày, 3 nhà máy nói trên thu mua bình quân từ 1.800 - 2.000 tấn gỗ nguyên liệu bị gãy đổ do bão cho dân.
Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cũng cho biết, riêng huyện Kỳ Anh, thiệt hại cây lâm sản đổ gãy do bão là hơn 6500 ha, loại đã 4 năm tuổi có thể nhập cho nhà máy chế biến gỗ. UBND huyện Kỳ Anh đã chỉ đạo công an đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự để việc xe ra, vào nhà máy nhập nguyên liệu được thuận lợi, đồng thời không gây cản trở giao thông. UBND huyện đang tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp dân sớm khắc phục bão lũ vừa qua…
Sau bão trời nắng như đổ lửa, hàng trăm xe tải chở keo tràm dồn ứa tại các nhà máy chế biến chờ nhập hàng khiến người dân càng sốt ruột hơn khi nhìn số kéo đã được thu gom nằm chờ vật vờ tại các nhà máy. “Cứ kéo dài tình trạng này thì chúng tôi không thể vớt vát được gì nữa. Số tiền đầu tư vào rừng keo này cũng đang vay ngân hàng nhưng giờ thế này thì không còn hi vọng gì” - ông Lê Văn Hưng, một hộ dân trồng rừng đi theo xe chở keo bán để bán cho nhà máy lo lắng.