Nhà công vụ - nhu cầu bức thiết của giáo viên

Hiện nay, tỉnh Long An đã có nhiều trường lớp các cấp đạt chuẩn cấp Quốc gia, tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng nhà công vụ. Điều này làm cho giáo viên chưa an tâm trong công tác, dẫn đến phần nào chất lượng dạy học sinh bị ảnh hưởng.


*Tận dụng mọi nơi làm nhà công vụ

Điểm nhà công vụ giáo viên trường Trung học cơ sở Bình Hòa Đông (huyện Mộc Hóa), nằm khuất trong hàng tre xanh với con đường dẫn vào trơn trợt, lấm lem bùn khi vào mùa mưa. Đây là điểm của các phòng học cũ được cải tạo lại làm nơi tạm trú của 6 giáo viên. Nhìn nơi đây, khó có ai nghĩ rằng là nhà công vụ, bởi lẽ xung quanh cây cối mọc um tùm, nước sinh hoạt lại thiếu nên rất nhiều trở ngại cho giáo viên sống nơi đây. Theo cô Võ Thị Bé Thi – giáo viên trường Trung học cơ sở Bình Hòa Đông, hiện nhà công vụ này đang trong tình trạng xuống cấp, một số vách tường bị nứt khiến giáo viên sống ở đây rất lo sợ tường có thể đổ bất cứ lúc nào. Dù vậy, cô giáo Bé Thi vẫn tự an ủi bản thân vì cho rằng: “Trước đây có những anh, chị giáo viên gắn bó từ khi trường vừa thành lập, phải dựng những căn nhà tạm sát với vách tường. Họ ở trong một không gian chật hẹp 15 m2 với 10 người. Bây giờ có được chỗ rộng rãi như thế này là sung sướng lắm rồi”. Rời huyện Mộc Hóa, xuôi về huyện Cần Giuộc là một huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp. Cứ ngỡ rằng nơi đây nhà công vụ sẽ được cải thiện hơn, nhưng đến những nơi giáo viên đang ở, chúng tôi thật sự bất ngờ. Bởi lẽ, nhà công vụ không chỉ là trường cũ được sửa chữa, mà còn tận dụng cả phòng y tế hoặc nhà kho làm nơi sinh hoạt cho giáo viên ở xa. 

Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ đang được xây dựng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Cô Trần Lệ Phương Anh - quê tỉnh Đồng Nai, dạy được 5 năm tại trường Trung học cơ sở Trương Văn Bang, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, hiện tại sống trong nhà công vụ là phòng y tế của trường cùng 2 giáo viên huyện Tân Trụ và huyện Đức Hòa. Cô Phương Anh cho biết, nhà trường đã tận dụng phòng y tế để cho các giáo viên ở, nhưng nơi sinh hoạt, phơi đồ hoặc nấu ăn không có. Do đó, khi có học sinh đau ốm, giáo viên tận dụng chiếc giường y tế cho học sinh vào nằm nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đảm bảo cháy nổ không xảy ra, giáo viên tự mua cơm hộp về ăn. Chính việc ăn uống hàng ngày như vậy, vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa không có đủ nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho giáo viên. “Em mong muốn các ban ngành quan tâm tới đời sống giáo viên nhiều hơn. Xây dựng một không gian ở đầy đủ hơn một chút vì ở phòng y tế này đôi khi trời mưa cũng hay dột”, cô Phương Anh nói. 

Theo thầy Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trương Văn Bang, trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12 năm 2012, nhưng vẫn chưa có nhà công vụ cho tập thể giáo viên ở xa. Trường cũng đã tạo điều kiện cho 3 giáo viên ở tạm trong phòng y tế. Nhưng vẫn còn 3 giáo viên khác ở xa có chỗ ở, buộc các cô phải ra ngoài thuê nhà trọ. Trường sử dụng phòng y tế làm nơi ở tạm cho giáo viên xem ra được khang trang hơn so với nhà công vụ tại trường Mầm non thị trấn Cần Giuộc. Tại đây, nhà công vụ của trường cho 2 giáo viên ở được tận dụng từ một kho chứa đồ dùng dạy học. Xung quanh kho từ vách, nóc đều bằng tôn. 

Cô Trần Thị My Lô- Giáo viên trường Mầm non thị trấn Cần Giuộc chia sẻ: “Không có chỗ nên tụi em buộc phải ở trong nhà kho này. Ban ngày rất nóng nhưng bọn em vẫn ở. Chiều tối, nhiệt độ giảm cảm thấy dễ chịu hơn khi soạn giáo án. Cực nhất khi trời mưa, có một số chỗ bị dột, bọn em phải lấy thau tát nước vì sợ ảnh hưởng những dụng cụ xung quanh dành cho trẻ”. Theo thống kê của ngành giáo dục và đào tạo Long An, tỉnh hiện có 859 giáo viên ở nhà công vụ với 330 phòng. Loại hình nhà công vụ này đa số tạm bợ và bán kiên cố, xây dựng lâu năm, chưa được sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp nhiều. Vì vậy, ngành xác định xây mới nhà công vụ là nhu cầu rất cần thiết. 

*Đáp ứng nhà công vụ khang trang 

Với mục tiêu tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, ngành giáo dục và Đào tạo Long An đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2016-2020. Qua đó, ưu tiên giúp cho đội ngũ giáo viên đang công tác xa nhà thuộc vùng sâu, vùng xa ở lại trường ổn định đời sống sinh hoạt. Sở Giáo dục và Đào tạo Long An dự báo, lượng giáo viên công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới có nhu cầu ở nhà công vụ đến năm 2020 hơn 1.550 giáo viên. Vì vậy, đề án nhà công vụ được triển khai đối với các cơ sở giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông trong toàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xây dựng 801 phòng, mỗi phòng 2 giáo viên với diện tích mỗi phòng 24m2. Đây là loại hình nhà công vụ kiên cố theo tiêu chuẩn, qui phạm xây dựng và tham khảo thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành. Tổng kinh phí đầu tư hơn 134 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2017 đầu tư hơn 54,7 tỉ đồng; giai đoạn 2018-2020, trên 48,7 tỉ, từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội. 

Ông Nguyễn Thanh Tiệp Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết: "Trước mắt, chúng tôi cố gắng trao đổi với các địa phương để thực hiện việc sửa chữa, sắp xếp, bố trí nhà công vụ cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu tối thiểu, phục vụ cho nhu cầu của anh em giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho anh em công tác. Về lâu dài, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện xây nhà công vụ cho giáo viên ở các địa phương". 
Thanh Bình (TTXVN)
Sắp hết thời chây ỳ với nhà công vụ
Sắp hết thời chây ỳ với nhà công vụ

Người sử dụng nhà công vụ không được tự ý thay thế nội thất, sửa lại nhà và phải trả lại nhà sau khi đã về hưu là những quy định cụ thể trong Dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý sử dụng nhà công vụ được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, nhằm quản lý chặt chẽ loại tài sản nhà nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN