Triển khai thí điểm khám, lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Dương Ngọc/TTXVN. |
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả chương trình này.
Xin ông cho biết cụ thể hơn về chương trình khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân: Người dân và cả ngành y tế sẽ được lợi gì từ chương trình này?Đối với người dân, việc khám, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân với mục đích theo dõi quá trình sức khỏe cho người dân từ khi sinh ra cho tới khi mất đi với các thông tin liên quan đến sức khỏe như: Tiền sử bệnh tật của cá nhân, gia đình, quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ tích hợp liên thông với phần mềm khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Vì vậy, khi người bệnh đến khám chữa bệnh thì những thông tin sức khỏe, quá trình điều trị bệnh của họ sẽ tự động chuyển dữ liệu vào hồ sơ sức khỏe cá nhân. Người dân sẽ được cập nhật liên tục tình trạng sức khỏe trong suốt cuộc đời, nắm được tình trạng sức khỏe và những tư vấn của bác sỹ để có những biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
Đồng thời, khi đi khám chữa bệnh, căn cứ vào hồ sơ sức khỏe điện tử của bệnh nhân, bác sỹ điều trị nắm được thông tin tiền sử bệnh tật của người bệnh, quá trình khám, điều trị trước đó (nếu có). Từ đó, sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Phần mềm quản lý sức khỏe người dân cũng sẽ tích hợp dữ liệu với phần mềm quản lý tiêm chủng hiện nay, giúp người dân biết lịch tiêm chủng các loại vắcxin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với các cơ sở y tế, việc triển khai chương trình này sẽ giảm chi phí và nhân lực. Cách quản lý như vẫn làm (quản lý bằng hồ sơ giấy) vừa tốn kém, vừa đòi hỏi nhân lực cho việc quản lý hồ sơ, tổng hợp số liệu... Đặc biệt, khi hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân được thiết lập, các cơ quan quản lý y tế sẽ thuận lợi hơn trong việc kết xuất số liệu, đánh giá chính xác tình hình sức khỏe cộng đồng để đề ra giải pháp hiệu quả bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức, đến nay, mô hình bác sĩ gia đình hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ” do: Thiếu kinh phí nên không thể tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân, thiếu nhân lực để theo dõi và cập nhật tình hình sức khỏe của người dân trong hồ sơ sức khỏe...
Vậy Hà Nội sẽ làm gì để khắc phục những vấn đề về nhân lực, kinh phí triển khai trong quá trình lập, cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân?
Với dân số trên 7,5 triệu người thì việc tổ chức khám, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân Hà Nội có khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn và sự vào cuộc của các cấp ủy, đảng chính quyền, sự hưởng ứng của cộng đồng.
Ngành y tế Hà Nội luôn quyết tâm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội hoàn thành khám, lập hồ sơ sức khỏe cho nhân dân Thủ đô theo đúng kế hoạch đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Sở Y tế thành lập các đoàn khám, huy động sự tham gia của các bác sỹ từ các bệnh viện, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cơ sở y tế ngoài công lập. Tùy theo số dân trên từng quận, huyện, thị xã sẽ quyết định số đoàn khám (ít nhất 2 đoàn/quận, huyện), đoàn khám sẽ khám, lập hồ sơ theo hình thức cuốn chiếu (xong xã, phường này sẽ chuyển sang xã, phường khác).
Về kinh phí thực hiện chương trình sẽ được duy trì từ các nguồn: Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách và các nguồn kinh phí khác.
Khi nào Hà Nội sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân? Việc giám sát quá trình triển khai và duy trì hoạt động này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành lập hồ sơ quản lý sức khỏe vào 30/9/2017. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ sẽ rất khó khăn đối với những nhóm đối tượng như: Học sinh, sinh viên đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề không có mặt tại địa phương; những người có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng đi công tác, lao động ở địa phương khác hoặc đi nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan Trung ương...
Do đó, để đạt mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực chuyên môn của ngành y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện, trong tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân (vì việc người dân đến khám để quản lý sức khỏe hoàn toàn tự nguyện).
Xin cảm ơn ông!