Sáng 31/3, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận nhiều điểm quan trắc ở phía Bắc có màu đỏ (mức xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe của những người bình thường, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng. Thậm chí có tới 10 điểm có chỉ số AQI màu tím (mức rất xấu, sức khỏe của mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn), gồm 3 điểm ở thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) là đường Thanh Minh, Trường Mầm non Nam Thanh, Trường Trung học cơ sở Him Lam;
2 điểm ở thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là đường Nguyễn Chí Thanh và Lê Duẩn; 2 điểm ở huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) là Thư viện huyện Yên Bình và Thư viện xã Hán Đà; 1 điểm ở thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) là Trường Mầm non Duyệt Trung; 1 điểm ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) là Bảo tàng Tiền sử Việt Nam và 1 điểm ở thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) là Lâm Thắng - Nông Trang.
Ứng dụng AirVisual (Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cho thấy, hầu hết các điểm quan trắc ở phía Bắc đều màu đỏ. Trong số 94 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc thì Hà Nội đứng thứ 6 với chỉ số AQI ở mức 160 (chất lượng không khí xấu, bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của người bình thường).
Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng ghi nhận 1 điểm quan trắc ở Phù Xã (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có màu tím, mức rất xấu; 1 điểm quan trắc ở phường Sông Hiến (tỉnh Cao Bằng) có màu đỏ.
Tại Thủ đô Hà Nội, website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội chỉ ra 12 điểm quan trắc ghi nhận chất lượng không khí có màu cam (mức kém, những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít bị ảnh hưởng).
Để không khí trở nên trong sạch, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch hơn, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm...
Ở những nơi chất lượng không khí có hại cho sức khỏe, mọi người nên tránh các hoạt động ngoài trời, giảm tập thể dục ở nơi công cộng, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm, đóng cửa sổ, đeo khẩu trang chống bụi khi đi ra ngoài.
Nếu chất lượng không khí trong nhà xấu, người dân có điều kiện nên sử dụng máy lọc để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí; giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, quét, hút bụi thường xuyên. Cùng với yếu tố thời tiết như mưa nắng thất thường dễ khiến trẻ ho, sổ mũi nhẹ, thì chất lượng không khí cũng rất quan trọng. Người lớn nên giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, hạn chế cho các bé ra ngoài trời, dùng nước muối loãng để nhỏ mắt, mũi và cho trẻ uống thuốc ho thảo dược.