Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tại huyện Châu Thành, sạt lở thường xảy ra ở kênh rạch, như tuyến kênh Nha Mân - Tư Tải, rạch Cái Tàu, kênh rau Cần, rạch Cần Thơ… Việc sạt lở thường xảy ra ở những khúc cua cong, vị trí thắt cổ chai của tuyến kênh rạch. Tại huyện Cao Lãnh tình trạng sạt lở xảy ra nhiều nhất ở kênh Cái Bèo, kênh Cần Lố và kênh Nguyễn Văn Tiếp. Nguyên nhân sạt lở là do áp lực dòng chảy mạnh, lưu lượng tàu, thuyền qua lại nhiều tạo ra sóng đập vào bờ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do con người lấn chiếm lòng sông, làm thu hẹp dòng chảy. Trước tình trạng trên, huyện Lai Vung đã có biện pháp, trồng cây chắn sóng dọc theo hai bên bờ kênh.
Thạc sĩ Đỗ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình Biển thuộc Viện Kỹ thuật Biển, nhấn mạnh rằng giải pháp phi công trình là giải pháp thích nghi, theo dõi, dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu, chủ động di dời dân, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, thay đổi mô hình sản xuất, xây dựng, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng; giải pháp công trình là kè tường đứng, kè mái nghiêng, kè hỗn hợp, kè mềm sinh thái.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đề nghị áp dụng giải pháp chống sạt lở ở một số sông, kênh rạch nội đồng ở tỉnh Đồng Tháp là sử dụng rọ, cây lục bình, tràm, bao tải cát, cọc, cừ dự ứng lực... Bên cạnh đó cần xây dựng đồ án tổng thể cho việc phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng; tích cực theo dõi trước, trong và sau mùa mưa về vết nứt, cắm các mốc ảnh báo, kịp thời di dời dân, tài sản; xây dựng nguồn dự phòng để chủ động ứng phó khi vỡ bờ bao, sạt lở khu dân cư tập trung...
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết, để khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh sẽ khoanh vùng sạt lở, loại bỏ nhà ở dọc sông... Tỉnh quy hoạch việc khai thác vật liệu, cát, nước ngầm; đo đạc, đánh giá ổn định bờ sông rạch; quản lý nghiêm và siết chặt tình trạng lấn bờ sông, kênh rạch. Đồng Tháp cũng khuyến khích người dân nuôi lục bình, trồng cây bảo vệ bờ sông để hạn chế sạt lở. Đồng thời, tỉnh đo đạc, đánh giá ổn định bờ sông rạch, quản lý nghiêm và xiết chặt tình trạng lấn bờ sông, kênh rạch. Các địa phương có trách nhiệmthường xuyên theo dõi các vết nứt, các dấu hiệu sạt lở; cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục đoạn xảy ra sạt lở đảm bảo đi lại và ổn định đời sống của người dân.
Ông Ngoan cho biết thêm, khi sạt lở xảy ra thì phải thực hiện phương châm "Ba tại chỗ, bốn sẵn sàng", hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, sơ tán, khắc phục hậu quả khi sạt lở xảy ra; vận động, hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời đến nơi an toàn, đặc biệt là vào các cụm tuyến dân cư. Tỉnh xây dựng nguồn dự phòng để chủ động ứng phó khi vỡ bờ bao, sạt lở khu dân cư; quản lý chặt chẽ khai thác cát; quy trình nạo vét kênh mương đảm bảo đúng chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông. Tại các điểm sạt lở nội đồng địa phương chủ động gia cố tạm thời bằng cừ bạch đàn, cừ tràm nhằm hạn chế sạt lở và đảm bảo an toàn giao thông thủy, bộ khu vực sạt lở.