Cụ thể, nhiều người cho rằng, trong quá trình nổ mìn phá đá núi Bảng của doanh nghiệp đã gây tiếng ồn, bụi và rung chấn làm nứt nhà dân. Trước thông tin này, phóng viên đã đến tìm hiểu sự việc tại địa phương.
Chính quyền xã Yên Lâm thừa nhận có tình trạng bụi bẩn trong quá trình doanh nghiệp vận chuyển đá song chưa đến mức làm nhà dân bị nứt do nổ mìn phá đá.
Bà Trần Thị Thu, thôn Hảo Nho, xã Yên Lâm chỉ vết nứt tường của gia đình. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN |
Tại một khu dân cư ngay sát chân cầu Hảo Nho, cách mỏ khai thác đá núi Bảng (thôn Hảo Nho) chừng 500 mét, người dân cho rằng hoạt động của doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ, đơn cử như doanh nghiệp cho nổ mìn phá đá 2 lần/ngày vào giữa trưa và cuối giờ chiều gây nên tiếng ồn lớn; người dân còn cho rằng bụi thì bay mịt mù, kết trắng trên cây cối cũng là những điều họ phải hứng chịu, thậm chí có nhà còn bị nứt tường do rung chấn của nổ mìn.
Tuy nhiên, để được tận mắt chứng kiến và ghi nhận tường của dân bị nứt thì không phải đơn giản. Khó khăn lắm chúng tôi mới được bà Trần Thị Thu chỉ cho xem một vết nứt dài trên tường của nhà bà.
Là một trong những nhà dân gần với bãi khai thác đá nhất, bà Thu chỉ cho chúng tôi thấy một vết nứt dài chạy ngang với khe nứt bằng đường kính một chiếc bút bi, kéo dài chừng 2 mét.
Bà Thu cho biết, ngôi nhà này xây được khoảng 20 năm nay, gần đây mới xuất hiện vết nứt này. Theo bà Thu, một số nhà gần với nhà bà cũng bị nứt tường. Mặt khác, bà Thu phản ánh nhà bà phải đóng cửa suốt ngày do bụi trên cầu bay xuống mỗi khi có xe chạy qua, trước đây nhà bà có mở một cửa hàng tạp hóa, nay cũng phải ngừng bán vì không có khách.
Hoạt động sản xuất tại mỏ khai thác đá núi Bảng. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN |
Tại khu vực cầu Hảo Nho, gần với khu vực khai thác đá và đường kết nối ra Đường tỉnh 480 thuộc địa phận thôn Hảo Nho, vào thời điểm phóng viên ghi nhận, mỗi khi có xe tải chạy qua đã cuốn theo bụi mù mịt. Người dân quanh đây cho biết, họ đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền và HĐND xã Yên Lâm để thay đổi tình trạng trên.
Về thực trạng này, ông Phạm Văn Chiến, Quản lý mỏ đá Hảo Nho thuộc doanh nghiệp Nhật Dung cho biết, mỏ đá Hảo Nho trước đây là Xí nghiệp khai thác đá Hảo Nho, hoạt động khai thác núi Bảng từ những năm 1960.
Gần đây, do nhu cầu thị trường, điều kiện giao thông thuận lợi nên từ năm 2014, doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị, phương tiện và nhân lực nâng cấp khả năng khai thác mỏ.
Ông Chiến khẳng định rằng, mọi quy trình khai thác như nổ mìn, vận chuyển đá, bảo hộ lao động đều được mỏ đá chấp hành theo yêu cầu của pháp luật. Đặc biệt, vấn đề an toàn lao động và bảo vệ môi trường luôn được mỏ đá đặt lên hàng đầu.
Vấn đề xử lý bụi đường trong quá trình vận chuyển đá, ông Chiến cho rằng, việc vận chuyển vật liệu xây dựng rất dễ gây rơi vãi kèm theo bụi bẩn. Trước thực tế này, doanh nghiệp đã lưu ý các công nhân nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, dọn dẹp mặt đường thường xuyên, phun nước nhiều lần trong ngày để hạn chế đến mức thấp nhất bụi bẩn gây ra.
Chính quyền xã yêu cầu mỏ đá phun nước 2 lần/ngày, nhưng thực tế doanh nghiệp tổ chức phun nước thường xuyên 4 đến 5 lần/ngày, lúc cao điểm xe ra vào nhiều, sẽ tổ chức phun nhiều nước nhiều hơn.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường việc phun nước mặt đường, dọn dẹp đá rơi vãi để khắc phục tối đa tình trạng bụi bẩn trong quá trình vận chuyển.
Đối với thông tin người dân cho rằng doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá gây nứt nhà của dân, chỉ cho chúng tôi thấy dãy nhà cấp 4 là nơi làm việc, nghỉ ngơi của cán bộ, nhân viên mỏ đá, ông Chiến cho biết dãy nhà này được xây dựng mà không có móng, chỉ có một lớp giằng mỏng mà nhà vẫn kiên cố. Mặc dù nhà ngay gần với chân núi Bảng, mìn nổ hằng ngày nhưng dãy nhà này lại không xuất hiện tình trạng rạn nứt tường, nền nhà.
Còn ông Nguyễn Đức Thận, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho hay, khu vực khai thác đá này được giao cho doanh nghiệp Nhật Dung khai thác trong nhiều năm nay. Trước đây, do chưa có cầu nên doanh nghiệp chỉ khai thác nhỏ lẻ, phương tiện ra vào chở đá cũng ít.
Năm 2013, Yên Lâm đưa vào sử dụng cầu Hảo Nho được xây dựng bê tông kiên cố nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh. Ông Thận cho rằng, cây cầu mới kiên cố đã kết nối 43 hộ dân với trên 100 khẩu và trên 30 ha đất canh tác của người dân với khu vực trung tâm của xã, ngay gần công trường mỏ đá còn có một vườn thánh và một ngôi chùa.
Từ khi cầu được đưa vào sử dụng, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, doanh nghiệp khai thác đá cũng đã đầu tư thêm nhiều phương tiện, máy móc để tăng năng suất. Do vậy, việc khai thác đá và vận chuyển đá gây ảnh hưởng bụi và tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi.
Trước thực trạng kể trên, chính quyền xã Yên Lâm đã mời đại diện doanh nghiệp lên làm việc, yêu cầu doanh nghiệp hoạt động không được để ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Ý kiến của người dân và chính quyền xã cũng đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2 HĐND xã Yên Lâm; doanh nghiệp cũng đã chấp hành quy định của xã, thực hiện phun nước mặt đường 2 lần/ngày, thường xuyên dọn đá rơi vãi trong quá trình vận chuyển nhằm giảm thiểu bụi do quá trình vận chuyển đá.
Gần đây, trước thông tin một số công trình của nhà dân bị nứt, đại diện Đảng ủy, chính quyền xã Yên Lâm đã đến nhà bà Thu và một số hộ dân khác để ghi nhận sự việc. Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, tại buổi làm việc giữa đại diện chính quyền xã Yên Lâm với các hộ dân, bà Thu cho rằng nhà bà tự xây mà không có bản thiết kế, đặc biệt bức tường bị nứt chỉ xây mà không có móng liên kết.
Còn tại bể chứa nước của gia đình bà Nguyễn Thị Thơm, chính quyền ghi nhận có vết nứt dài chạy ngang tại phần tiếp giáp giữa tường xây nổi và mái bể; tuy nhiên đây chỉ là vết nứt do tách phần mái bể và phần tường. Chính quyền xã Yên Lâm cũng chỉ ghi nhận được 2 trường hợp kể trên.
Chủ tịch UBND xã Yên Lâm Nguyễn Đức Thận cũng cho biết, cuối năm 2016, đoàn công tác gồm các cơ quan hữu quan của tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Mô đã kiểm tra quá trình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Dung trong quá trình khai thác đá, kết luận doanh nghiệp hoạt động đúng với quy định của pháp luật.
Lượng thuốc nổ sử dụng đúng với những quy định cho phép. Dựa trên những kết luận này, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho rằng, người dân phản ánh doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá gây nứt nhà dân là chưa có căn cứ.
Đại diện UBND xã Yên Lâm khẳng định, xã chưa nhận được bất kỳ đơn thư nào của người dân phản ánh nhà bị nứt do doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá, nếu có chỉ là người dân phản ánh quá trình vận chuyển đá của doanh nghiệp gây bụi và ồn.
Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp đã tiến hành phun nước mặt đường 2 lần/ngày, chính quyền xã sẽ yêu cầu doanh nghiệp phun nước 3 đến 4 lần/ngày, thậm chí nhiều hơn nữa để hạn chế tối đa tình trạng bụi theo phản ánh.