Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Việc triển khai Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam tại Hà Nội là một trong những hoạt động cụ thể đẩy mạnh số hóa dữ liệu về việc làm, giới thiệu việc làm trực tuyến từ đó rút ngăn quy trình tuyển dụng, góp phần kết nối cung cầu thị trường lao động, tạo việc làm.
“Đây là dự án hỗ trợ của Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc cho phía Việt Nam và triển khai tại 2 thị trường lao động lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về ESIP tới các doanh nghiệp và người lao động. Từ mô hình triển khai của Hà Nội sẽ mở rộng kết nối Trung Dịch vụ việc làm tại 63 tỉnh thành”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, việc triển khai ESIP tại Hà Nội sẽ góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi số cung cấp dữ liệu thị trường lao động tại Hà Nội. Sở LĐ-TB&XH sẽ có công văn gửi tới hơn 300 trường nghề tại Hà Nội và các trường PTTH, cao đẳng, Đại học để biết về ESIP để từ đó có thể tìm hiểu về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, Sở cũng có công văn tới các Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hiệp hội doanh nghiệp trẻ… để giới thiệu ESIP tới các doanh nghiệp.
Hiện đã có hơn 2.000 doanh nghiệp đã đăng ký nhập dữ liệu tuyển dụng vào Cổng ESIP và sắp tới lao động thất nghiệp khi đến làm thủ tục lĩnh Bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được hướng dẫn khai biểu mẫu về tìm việc trên ESIP để giúp người lao động có thể tìm hiểm việc làm phù hợp.
Ông Nguyễn Duy Thứ, Trưởng Ban Công nghệ của Công ty Công nghệ Thăng Long, đơn vị tham gia tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm chuyển đề CNTT cho biết: Nếu khai thác hết tính năng, ESIP sẽ giúp người lao động tìm đến đúng công ty đang có nhu cầu tuyển dụng và cũng giúp doanh nghiệp tuyển đúng người đang cần. Đối với lĩnh vực CNTT, nguồn nhân lực luôn thiếu để đáp ứng công cuộc chuyển đổi số và triển khai Chính phủ điện tử. Tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề, công ty có nhu cầu tuyển dụng 30 vị trí nhưng vẫn chưa tìm được nhân sự như mong muốn. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đăng ký qua ESIP để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và mở rộng của doanh nghiệp.
Phiên giao dịch việc làm chuyên đề CNTT thu thút 50 doanh nghiệp công nghệ với nhu cầu tuyển hơn 1.000 vị trí như lập trình viên, kỹ sư công nghệ, nhân viên kỹ thật… với mức thu nhập từ 7 triệu -15 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí. Sau phiên giao dịch việc làm chuyên đề CNTT, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ tổ chức các phiên giao dịch chuyên đề, giao dịch việc làm lưu động… để giới thiệu về ESIP và kết nối thị trường lao động.