Video Người đi xe gắn máy ngang nhiên leo lên vỉa hè lưu thông:
Vào giờ cao điểm hàng ngày, sáng từ 7 - 8 giờ 30 phút, chiều từ 5 - 6 giờ 30 phút, trên nhiều tuyến phố như Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương - Tố Hữu (quận Thanh Xuân)... thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Không ít người đi xe gắn máy thiếu ý thức, trước tình cảnh ùn tắc này, đã cố tình leo lên vỉa hè, luồn lách để lưu thông nhanh hơn.
Đáng nói, việc thiếu ý thức không chấp hành luật giao thông này của nhiều người dân không chỉ khiến các tuyến đường gia tăng ùn tắc, mà còn gây hệ lụy là vỉa hè nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh chóng, gạch đá ốp lát chỉnh trang hè phố trồi sụt, biến dạng trước tình trạng phải gánh lượng xe gắn máy lớn lưu thông hàng ngày, phát sinh "ổ trâu, ổ gà"; khiến các đơn vị chức năng của Hà Nội, "đến hẹn lại", phải tốn kinh phí đầu tư thay "áo mới" cho vỉa hè.
Tại các đợt cao điểm ra quân phát động đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ đầu năm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và định kỳ hàng quý, hàng tháng của TP Hà Nội, các cấp chính quyền đều yêu cầu lực lượng chức năng ở cơ sở tăng cường xử lý nghiêm tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là những vi phạm liên quan đến lái xe gắn máy cố tình đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông để răn đe. Nhưng thực tế, để xử lý tình trạng này không dễ.
Qua tìm hiểu, nhiều người dân cho biết, việc đi xe gắn máy trên vỉa hè là vi phạm quy định về an toàn giao thông, nhưng chỉ là "cùng bất đắc dĩ" phải làm, khi lòng đường đang bị ùn tắc nghiêm trọng do nhiều phương tiện cùng đổ ra đường vào một thời điểm.
Với các chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực phân luồng giao thông trên các tuyến đường khi xảy ra ùn tắc, thì thời điểm nhiều người dân lái xe gắn máy đi lên vỉa hè, cũng là lúc họ phải căng mình phân làn, điều tiết giao thông, nên khó có thể xử lý vi phạm.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, phần lớn người dân hiện nay giữ thói quen sử dụng xe cá nhân tham gia giao thông, khiến áp lực giao thông ngày càng gia tăng, trong khi điều kiện hạ tầng hạn chế. Mỗi khi gặp cảnh ùn tắc, thay vì giữ trật tự, xếp hàng để di chuyển, nhiều người lái xe gắn máy chọn cách leo lên vỉa hè, tranh giành phần đường với người đi bộ để... thoát ùn tắc. Hành vi vi phạm này đang kéo theo nhiều hệ lụy cho hạ tầng, tiềm ẩn nguy hiểm mất an toàn cho chính người dân.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, lái xe gắn máy đi lên vỉa hè khi xảy ra ùn tắc giao thông càng làm tăng thêm hiện tượng thắt nút cổ chai, xung đột giao thông tại các vị trí dồn ứ phương tiện tại nút giao; đồng thời, tạo ra thói quen xấu cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị. Do đó, bên cạnh việc điều tiết giao thông, lực lượng chức năng cần bố trí nhân lực xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, vỉa hè (hè phố) là phần dọc theo hai bên đường, thường được lắp gạch chuyên dùng và là phần đường dành riêng cho người đi bộ, không phải là phần đường cho các phương tiện lưu thông. Người điều khiển xe ô tô đi trên vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, người đi xe gắn máy trên vỉa hè bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Quy định của pháp luật không cho phép bất cứ phương tiện nào đi lên vỉa hè trong bất cứ trường hợp nào, kể cả khi ùn tắc giao thông.