Trên thực tế, những trường hợp mà chúng ta biết được qua truyền thông chỉ là “bề nổi”. Còn hàng ngày và ở nhiều nơi, các ca tai biến, biến chứng xảy ra nhiều hơn những gì chúng ta biết, nhưng nạn nhân thường là không muốn “nổi tiếng” nên đành chịu đựng trong im lặng.
Lắm chiêu, nhiều kế
Khách hàng làm đẹp, ngoài việc tham khảo bạn bè, thường dựa vào internet và các mạng xã hội để tìm hiểu về cơ sở và bác sĩ mà họ định gửi gắm niềm tin. Các cơ sở thẩm mỹ hiểu rõ điều này, nên họ tận dụng triệt để các kênh quảng cáo online để quảng bá dịch vụ. Ngân sách chi cho quảng cáo có thể lên tới vài chục phần trăm doanh thu. Trong đó, bộ phận truyền thông và marketing là không thể thiếu đối với một cơ sở thẩm mỹ, bộ phận này có thể lên tới vài chục nhân sự làm việc đối với những cơ sở lớn, gồm các bộ phận.
Bộ phận sản xuất tư liệu: Chụp ảnh, quay clip, chỉnh sửa ảnh và clip trước - sau phẫu thuật sao cho thật đẹp nhưng không được lộ.
Bộ phận nội dung: Chuyên viết nội dung quảng cáo, yêu cầu “chuyên môn” là viết phải thật ấn tượng và hấp dẫn khách hàng.
Bộ phận truyền thông: Chuyên đăng tải thông tin. Nhiệm vụ của họ là làm xuất hiện thông tin quảng cáo trong tốp đầu của mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm.
Bộ phận tương tác: Mỗi nhân sự phụ trách hàng chục nick ảo để tham gia vào các hội nhóm và rồi tung ra những bình luận tích cực.
Bộ phận sale online và télé sale: Được đào tạo bài bản, học thuộc những câu trả lời cho những tình huống cụ thể khi khách hàng tiềm năng thắc mắc, lo lắng và đặt câu hỏi. Bộ phận này được giao nhiệm vụ quan trọng: kéo được khách hàng online đến cơ sở để đội tư vấn tại chỗ “chốt đơn”.
Doanh thu của một cơ sở thẩm mỹ phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông và marketing. Vì vậy, có những thẩm mỹ viện khi ngừng đổ ngân sách cho “chạy” quảng cáo là khách hàng ngừng đến. Ngược lại, nếu quảng cáo nhiều, khách hàng đến đông, thì chưa chắc cơ sở đó đã thành công. Bác sĩ thẩm mỹ, ngoài kiến thức và kinh nghiệm ra, cần phải ở trong trạng thái sức khoẻ tốt, cộng với tinh thần minh mẫn, hứng thú với “tác phẩm” mà mình sẽ “sáng tác”. Vì vậy, nếu thấy một cơ sở thẩm mỹ nào đó mà bác sĩ quá bận rộn, chưa chắc đã là tín hiệu tốt! Hoặc là nếu thấy một cơ sở làm đẹp nào đó khoe: “Hôm nay bận túi bụi vì khách đến đông, bác sĩ làm không nghỉ”, thì ta nên tránh, bởi vì hoặc là nói dối, hoặc là nhiều tai biến và biến chứng.
“Ma trận” của ngôn từ
Về ngôn từ dùng trong quảng cáo, bản thân tác giả là bác sĩ thẩm mỹ, nhiều khi cũng bối rối khi nghe thấy tên một “công nghệ” mới xuất hiện, tìm hiểu thì thấy đó là “phát minh” mới của ngành marketing - quảng cáo, nhằm dụ dỗ những khách hàng nhẹ dạ!
Sau đây là một số “công nghệ mới” mà các cơ sở thẩm mỹ “phát minh”:
Cắt mí nội soi
Người trong nghề sẽ bật cười khi nghe thấy phương pháp này. Không bác sĩ nào dùng nội soi để cắt mí cả! Chúng ta thường hiểu nội soi là một kỹ thuật nào đó hiện đại, chính xác, an toàn… điều này đúng, nhưng chỉ áp dụng cho các phẫu thuật được thực hiện trong một khoang nào đó của cơ thể như khoang bụng, khoang ngực.
Cắt mí 6D
Cách đây khoảng 10 năm, không có khái niệm “D”, mà chỉ đơn giản là cắt mí. Thế rồi một cơ sở rất thông minh đã tung ra tên gọi “cắt mí 3D” khiến khách hàng tưởng rằng 3D là một công nghệ mới vừa được chuyển giao cho Việt Nam, hẳn là phải hơn không có “D” nào. Cuối cùng, cũng chỉ là cắt da thừa trùng nhão, loại bỏ túi mỡ mà thôi, nhưng khách hàng phải trả thêm khá tiền cho “công nghệ” mới. Thế rồi, để cạnh tranh, các cơ sở khác liền tung ra “công nghệ độc quyền cắt mí mắt 4D” rồi thẩm mỹ viện khác nữa tung ra 5D, bây giờ là 6D.
Biết rõ khách hàng sợ đau và sẹo, nhiều nơi tung ra quảng cáo “công nghệ cắt mí hoàn toàn không sẹo, không sưng bầm”. Không thể có chuyện đấy được. Đã rạch da là có sẹo, là chảy máu và có sưng bầm mức độ nhiều ít.
Rất nhiều tên gọi “sang trọng” nữa về thẩm mỹ mắt, nhưng chúng ta nên chú ý: tên gọi dẫu là gì đi nữa thì cũng chỉ là loại bỏ da và mỡ thừa mí mắt.
Nâng mũi siêu cấu trúc, nâng mũi cấu trúc 6D, nâng mũi công nghệ Surgiform...
Dù tên gọi là gì, thì phẫu thuật thẩm mỹ mũi cũng là dùng vật liệu nhân tạo (silicon, ePTFE, PCL...), hoặc có kết hợp với vật liệu tự thân (sụn tai, sụn sườn...) độn vào mũi nhằm tạo dáng mới cho mũi. Tên gọi càng sang trọng, khái niệm càng mới thì khách hàng càng phải trả nhiều tiền hơn; và rủi ro có thể càng cao hơn vì nó được thực hiện ở 1 cơ sở không nghiêm túc.
Tái sinh da đa tầng
“Công nghệ” này đang được nhiều cơ sở thẩm mỹ da khai thác. Chúng ta thưởng hiểu “đa tầng” là từ tầng sâu đến tầng nông, nên tái sinh da đa tầng có nghĩa là da sẽ được làm trẻ hoá, làm đẹp triệt để, chắc chắn phải tốt hơn là các phương pháp cũ chỉ làm đẹp lớp da ngoài cùng. Bản chất của phương pháp này cũng vẫn là sử dụng các kỹ thuật cũ gồm máy móc, mỹ phẩm, cấy chỉ, tiêm... để làm trẻ hoá da mà thôi.
Cấy Collagen tươi
Ai cũng biết collagen có vai trò quan trọng bậc nhất để duy trì làn da căng và đàn hồi. Chúng ta nên nhớ rằng, collagen cấy vào da sẽ bị cơ thể đào thải ngay vì nó là protein lạ đối với cơ thể (dị ứng chính là dấu hiệu của sự đào thải). Bản chất của kỹ thuật này là tiêm hoặc lăn kim để đưa một số dưỡng chất (không phải collagen) vào da với mong muốn làm cho da đẹp hơn.
Cấy Enzym tái tạo da
Enzyme mà được cấy vào da cũng gây dị ứng và bị đào thải vì nó là protein lạ. Các thẩm mỹ viện còn quảng cáo là “enzyme được chiết xuất 100% từ thảo mộc nên không gây dị ứng, không gây tác dụng phụ”. Cứ cấy protein lạ vào cơ thể sẽ bị dị ứng, bất kể nó có nguồn gốc động vật hay thực vật.
Cấy Silicon nguồn gốc thực vật
Đây là “công nghệ” khá mới, sản phẩm được cấy vào da để làm căng bóng. Silicon là sản phẩm 100% công nghiệp, không tồn tại ở thực vật. Nội dung quảng cáo này hoàn toàn phản khoa học nhưng nó “mới lạ” nên thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Căng chỉ vàng
Có lẽ chữ “vàng” xuất phát từ “gold” trên bao bì của một hãng sản xuất chỉ sinh học. Từ đây, một số thẩm mỹ viện quảng cáo cấy chỉ bằng vàng 24k và 18k với chi phí hàng trăm triệu, nhưng thực tế đó chỉ là chỉ sinh học bình thường.
Nâng ngực không khâu da, nâng ngự Nano Chip 4D, nâng ngực Endos không chảy máu, hút mỡ không đau...
Các dòng quảng cáo thường chứa những từ ngữ, những khái niệm có vẻ là một bước tiến y khoa đột phá, hiện đại, độc quyền… và thường gắn với một đất nước phát triển Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, hoặc gắn với một nhà khoa học nào đó được chính cơ sở thẩm mỹ khai sinh.
Một tập hợp những tên gọi dịch vụ thẩm mỹ mà chúng ta thấy trong thời nay, đa số đều được tô vẽ, trang điểm, làm sai đi bản chất y khoa, thậm chí bịa đặt để tận dụng sự nhẹ dạ cả tin của khách hàng. Vì vậy, để tránh tiền mất tật mang khi làm đẹp, khách hàng hãy tìm kiếm thông tin ở những nguồn tin cậy và đã được kiểm chứng.