Chữa bệnh và điều trị cho những bệnh nhân tâm thần là công việc có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các bác sỹ của Trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã nỗ lực vượt lên áp lực của công việc để cảm thông, chia sẻ với nỗi đau cả về thể chất và tinh thần của người bệnh.
Những tai nạn khó tránh
Trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần Thủ Đức là nơi nhận, điều trị và chăm sóc cho 1.200 bệnh nhân ở khu vực TP Hồ Chí Minh. Khuôn viên trung tâm rộng đến vài ha và khung cảnh khá yên bình, không thấy cảnh bệnh nhân và người nhà xô bồ chen lấn, chờ đợi như những bệnh viện khác. Thế nhưng, đằng sau sự yên bình đó, các y bác sỹ ở đây luôn đối mặt với những tai nạn, rủi ro khi làm việc từ những bệnh nhân đang được điều trị tại đây.
Không chỉ khám chữa bệnh mà các y bác sỹ ở đây còn kiêm luôn nhiệm vụ cho ăn và làm vệ sinh cho những bệnh nhân tâm thần. |
Y sỹ Phạm Thị Thảo đang làm việc tại khu điều trị B, cho biết những y bác sỹ làm việc tại đây bị bệnh nhân đánh, đuổi chạy, bị chửi... không phải là chuyện hiếm gặp. Có lần bác sỹ đang làm việc thì bị bệnh nhân tấn công từ phía sau. Rồi có khi các hộ lý, y tá đang phân phát cơm và thuốc cho bệnh nhân thì bị họ đổ cơm và canh lên người. “Nhiều y bác sỹ bị đánh gãy cả sống mũi”, chị Thảo kể và cho biết: “Những lúc như vậy thì chỉ biết bỏ chạy rồi sau đó sẽ tìm cách kiềm chế lại bệnh nhân để tiêm thuốc...”.
Cũng thường xuyên phải chịu cảnh bệnh nhân chửi, đánh, la hét, lên cơn quậy phá..., nhưng các y bác sỹ làm việc trong khu điều trị dành cho bệnh nhân tâm thần bị nhiễm HIV còn bị rủi ro về bệnh nghề nghiệp nhiều hơn. Y sỹ Nguyễn Văn Thăng đang làm việc tại khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV cho biết: “Khu điều trị có khoảng hơn 70 bệnh nhân nhưng công việc của những y bác sỹ này khá vất vả bởi những bệnh nhân này không chỉ mắc bệnh tâm thần mà còn kèm theo cả chứng bệnh lao và nhiễm HIV. Vừa rồi, một đồng nghiệp của tôi cũng bị mắc bệnh lao, có lẽ phơi nhiễm từ bệnh nhân nên đang phải nằm điều trị”.
Chăm sóc bằng cả tình thương
Làm việc tại các trung tâm điều trị tâm thần, không đơn giản chỉ là khám chữa bệnh..., mà các y bác sỹ phải kiêm luôn các công việc cho ăn, làm vệ sinh cá nhân và đặc biệt hơn là trở thành một người bạn, người thân để tâm sự, lắng nghe những sẻ chia từ người bệnh. Trong những lúc bấn loạn, người bệnh cần đến thuốc, song những lúc tỉnh táo, thì họ cũng cần những bờ vai chia sẻ, tâm sự như bao người khác.
Chị Phạm Thị Thảo cho biết, chị đã gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở trung tâm đến nay đã 13 năm. Suốt thời gian qua, chị không ngại lời ra tiếng vào của người thân về công việc của mình. Chị tâm sự: “Đối với bệnh nhân ở đây, các y bác sỹ mất rất nhiều công sức để theo dõi, điều trị và phải hiểu rõ cả tính cách của người bệnh. Có bệnh nhân thích được đối xử ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng cũng có nhiều bệnh nhân phải lớn tiếng, la hét, thậm chí là hăm dọa mới chịu nghe lời y, bác sỹ. Và cũng không hiếm trường hợp bệnh nhân giả bộ bệnh để được nhân viên quan tâm, chăm sóc nhiều hơn…”.
“Mỗi bệnh nhân tâm thần đều có những hoàn cảnh rất đáng thương. Nhiều người trong số họ sống thiếu sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh, kể cả của người thân. Vì thế, hơn ai hết, các y bác sỹ của trung tâm gắn bó với người bệnh không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả sự yêu thương. Có khi tôi vắng mặt mấy ngày không vào thăm, bệnh nhân hỏi: “Cô đi đâu mấy ngày mà không thấy, em nhớ cô quá”. Nghe những lời đó, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Chính những điều đó càng làm cho tôi thấy gắn bó với công việc hơn”, chị Thảo chia sẻ.
Y sỹ Lý Hữu Thảo cũng cho biết: “Đối với những bệnh nhân “vô danh” do công an hay người dân đưa vào đây, khi sức khỏe bình phục, nếu nhớ được người thân hay nhà mình ở đâu, trung tâm còn tạo điều kiện để cho bệnh nhân hồi gia và sẽ đi tìm người nhà cho bệnh nhân”. Theo các bác sỹ, hiện nay kinh tế khó khăn, áp lực công việc nhiều nên có nhiều trường hợp đổ bệnh tâm thần vì phá sản, đổ vỡ gia đình, đổ vỡ tình yêu, con cái mất, tai nạn và đặc biệt là bị tâm thần do uống rượu nhiều cũng đang tăng.
Bài và ảnh: Đan Phương