Bằng nghĩa cử và tấm lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, những ngôi nhà mang tên "Mái ấm Công đoàn" đã tạo động lực để người lao động tiếp tục vươn lên, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Niềm vui trong những “Mái ấm Công đoàn”
Những ngày giữa tháng 6/2023, gia đình chị Phạm Thị Hồng Thắm (sinh năm 1985) nằm sâu trong ấp Hưng Nhơn, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại rộn rã tiếng cười. Cả gia đình chị đang quét dọn, trang hoàng ngôi nhà mới mang tên "Mái ấm Công đoàn". Chị Hồng Thắm phấn khởi khoe nơi ở mới khang trang, kiên cố trên diện tích 54m2. Chị bộc bạch: “Ngày bàn giao nhà, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng, người tặng quạt, nồi cơm, người tặng bộ bát, chén mới. Thật sự rất ấm lòng!”.
Chị Hồng Thắm là giáo viên môn Công nghệ, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Đồn, thuộc xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại. Tiền lương hàng tháng của chị là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chị Thắm tâm sự, công việc của chồng chị không ổn định, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày, cho con ăn học... đều phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi. Đối với chị, việc dành dụm để xây căn nhà mới là xa tầm tay. Trong khi đó, mỗi năm đi qua, nhà đã cũ lại hư hỏng thêm. Lo lắng nhất khi triều cường dâng cao, mưa lũ về, nước tràn vào nhà, hai con nhỏ không an toàn lúc chị công tác xa nhà.
Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng giúp chị xây nhà. “Nhờ sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, giấc mơ về ngôi nhà thành hiện thực. Có chỗ ở ổn định, hai vợ chồng như được tiếp thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn. Chị an tâm công tác nơi xã đảo, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp trồng người", chị Hồng Thắm bày tỏ.
Chung niềm vui về một mái nhà kiên cố với chị Thắm là chị Lê Thị Mai Hoàng (sinh năm 1989), Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Thành (huyện Ba Tri). Trong xưởng, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng chị Mai Hoàng. Khi nghe tin chị được hỗ trợ xây tặng "Mái ấm Công đoàn", tất cả đều vui mừng. Chị Mai Hoàng cho biết, từ ngày chồng chị bị tai nạn lao động, chị trở thành trụ cột chính trong gia đình. Khoản tiền lương công nhân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, trong khi các con đang trong độ tuổi ăn học.
Chị Lê Thị Mai Hoàng cho biết, mái nhà trước kia của gia đình nằm sâu trong con hẻm nhỏ diện tích gần 20m2, được dựng tạm bằng vật liệu cũ. Mùa nắng thì nóng, mùa mưa lại dột. Thương con, thương chồng, chị ước ao có mái nhà kiên cố để an cư. Chia sẻ khó khăn với gia đình chị Mai Hoàng, từ nguồn hỗ trợ của Cụm thi đua 12 Liên đoàn Lao động tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu long, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre hỗ trợ 50 triệu đồng để gia đình xây nhà mới.
Nhà được khởi công ngày 15/5/2023 đến nay sắp hoàn thành. Chị Lê Thị Mai Hoàng xúc động nói: "Từng ngày thấy căn nhà dần hoàn thiện hiện ra trước mắt, nhiều đêm chị không ngủ được...”.
Hậu phương của người lao động
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh, xác định hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn” là việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp công nhân, viên chức, lao động khó khăn về nhà ở có điều kiện ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn thường xuyên khảo sát, nắm tình hình và nhu cầu về nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ tổ chức thẩm định, họp xét hỗ trợ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đúng đối tượng.
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Công đoàn hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ 72 nhà “Mái ấm Công đoàn”, “Mái ấm ngành Y”, “Nhà nghĩa tình đồng nghiệp”, “Nhà tình thương”... cho công đoàn viên khó khăn về nhà ở.
Cùng với đó, Bến Tre còn triển khai chương trình “Hậu phương người lao động”. Qua đó, khẳng định tổ chức Công đoàn luôn là người bạn đồng hành, chỗ dựa cho người lao động, giúp họ an tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị, các cấp Công đoàn tích cực tuyên truyền đến gia đình, người thân, đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp tại các đơn vị về chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững; huy động tối đa nội lực bên trong kết hợp nguồn lực bên ngoài, tích cực phối hợp với chủ doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương khảo sát, hỗ trợ đoàn viên, người lao động về nhà ở, vốn vay tạo sinh kế…
Mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm từ 6 đến 10% tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm có từ 40 - 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh. Chương trình tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế cho gia đình công nhân lao động nghèo, cận nghèo, bệnh nan y hiểm nghèo, tai nạn lao động tỷ lệ thương tật trên 35% có hoàn cảnh khó khăn với phương châm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính, hướng đến kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chung của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thông tin cụ thể về chương trình “Hậu phương người lao động”.