Nhờ đó, về cơ bản, bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những tiến bộ hết sức rõ rệt. Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn. Chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế được từng bước nâng lên. Chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập, sự hài lòng của người bệnh nội trú gia tăng đáng kể...
Đổi mới để tinh gọn
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, công tác đổi mới sắp xếp hệ thống y tế tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được ngành Y tế triển khai tích cực, hiệu quả. “Ngành đang cơ cấu lại hệ thống khám bệnh chữa bệnh theo hướng sẽ phân thành ba tuyến chuyên môn và thực hiện theo sự đánh giá về tiêu chí chất lượng để có thể xây dựng giá dịch vụ y tế cho các tuyến. Bộ đã giảm bớt các đầu mối cơ sở trực thuộc Bộ theo hướng phân tuyến về cho các địa phương”.
Theo đó, các địa phương đã đẩy mạnh sáp nhập các trung tâm làm nhiệm vụ dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hợp nhất Trung tâm y tế và bệnh viện huyện thành Trung tâm y tế đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã. Trong năm 2019, cả nước có 15 tỉnh, thành phố gồm Cao Bằng, Lai Châu, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố với số đơn vị tuyến tỉnh thực hiện sáp nhập là 266 đơn vị. 555/713 đơn vị cấp huyện tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện huyện thành Trung tâm Y tế huyện. 44 tỉnh với khoảng 475 đơn vị cấp huyện thực hiện nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế huyện.
Cả nước đã có 62/63 tỉnh, thành phố quy định Trung tâm Y tế huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, còn tỉnh Bình Phước quy định Trung tâm Y tế huyện do UBND huyện quản lý. 62/63 tỉnh, thành phố quy định Trạm Y tế xã là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện. Tại tỉnh Quảng Ninh, Phòng Y tế quản lý Trạm y tế.
Ngành Y tế đang triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia theo hướng sắp xếp hệ thống y tế theo 3 cấp chuyên môn, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, phân bố dân cư ở từng vùng, địa bàn; sắp xếp các bệnh viện theo hướng Bộ Y tế chỉ quản lý một số bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, chuyển một số bệnh viện về địa phương quản lý.
Bộ Y tế tăng cường giao quyền tự chủ cho các đơn vị. Đến nay, 240 đơn vị, trong đó có 29 đơn vị của Bộ Y tế được giao tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Nhiều đơn vị, nhất là các bệnh viện đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên. 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện được thực hiện thí điểm cả chi đầu tư và chi thường xuyên.
“Cho đến bây giờ, Bệnh viện Bạch Mai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ thực hiện trên nguyên lý sẽ tổ chức khắc phục những bất cập của các đơn vị theo cơ chế tự chủ, trong đó có vấn đề quản lý tài sản công tránh lạm thu, tăng cường quỹ phát triển sự nghiệp để tăng cường chất lượng dịch vụ y tế và giữ đúng số giường điều trị theo yêu cầu, công khai minh bạch quy chế chi tiêu nội bộ và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong các bệnh viện để tăng cường tính minh bạch”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Năm 2019, ngành Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, hài lòng của người dân. Các bệnh viện tích cực áp dụng Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện.
Về cơ bản bộ mặt của toàn bộ hệ thống các bệnh viện đã có những tiến bộ hết sức rõ rệt, từ người bảo vệ đến điều dưỡng, bác sỹ, giám đốc; từ cổng bệnh viện đến khoa khám bệnh, buồng bệnh, phòng mổ... kể cả bệnh viện huyện ở những vùng sâu, vùng xa.
Người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn, chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân viên y tế được từng bước nâng lên
Báo cáo Chỉ số PAPI công bố năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018 (thang điểm 2,5); chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn (năm 2013 là 20%, năm 2016 là 17%, năm 2017 là 9%).
Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Oxfam cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Phần mềm trực tuyến khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế đã có tổng số trên 3,4 triệu lượt người được các bệnh viện khảo sát, các góp ý chân thành, tích cực của người bệnh và nhân viên y tế đã được hệ thống ghi nhận. Tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú do các bệnh viện tự khảo sát đến nay đạt 80,6%, rất thống nhất với kết quả khảo sát độc lập
Đánh giá về các con số trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Báo cáo Chỉ số PAPI công bố năm 2019 cho thấy, người bệnh đánh giá khá tích cực về dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh. Đây là một trong những nội dung mà hệ thống khám chữa bệnh sẽ phải tiếp tục hoàn thiện và xây dựng những quy chế, nội dung liên quan đến việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh để tăng cường chất lượng dịch vụ”.
99% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động
Cả nước hiện có khoảng 90% Trạm Y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% Trạm Y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Ngành Y tế đã tích cực triển khai và nhân rộng mô hình 26 Trạm Y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình với các hoạt động nhằm đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” đang được tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế của cơ sở y tế tuyến dưới.
Đề án đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới; nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, tập huấn của cán bộ luân phiên thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương. Hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao đều được bệnh viện tuyến dưới thực hiện thường quy và thực hiện tốt cho nên người dân không phải lên tuyến trên, nhờ đó đã giúp giảm chi phí cho người bệnh và giảm chi phí cho các cơ sở y tế trong việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.