Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, quyết định về công tác cán bộ
Ngày 31/1/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng chí Phan Việt Cường thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cũng tại phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh vì những vi phạm sau: Các ông Trần Đức Quận, Nguyễn Nhân Chiến đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đức Quận và ông Nguyễn Nhân Chiến.
Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng tiêu cực
Ngày 1/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp Phiên thứ 25.
Tại Phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất, năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Trong năm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. |
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra xử lý bài bản, thận trọng, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm", tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; buôn lậu" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan; vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương; thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ấm áp Xuân quê hương trong lòng những người con xa xứ
Trong hai ngày 1 – 2/2, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Xuân Quê hương 2024 với sự quan tâm, trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đồng thời góp phần thắt chặt tình cảm giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước. Sự kiện trở thành một điểm nhấn văn hóa và nghệ thuật trong lòng cộng đồng kiều bào và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, nổi bật chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng” và hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, năng động, sáng tạo, tiên phong trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong khuôn khổ Chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã cùng kiều bào và nhân dân dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Nguyễn Huệ; dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thực hiện nghi thức thả cá chép truyền thống vào ngày Tết ông Công, ông Táo tại Bến Nhà Rồng lịch sử.
Đặc biệt, trong chương trình giao lưu nghệ thuật tối 2/2, tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc Tết bà con kiều bào trên toàn thế giới và đánh trống khai hội mừng Xuân. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ - giáo dục, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tham gia góp ý chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và tri thức, làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Việt Nam mong muốn được đón các nhà đầu tư thế giới trong đó có người gốc Việt trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng cho mọi người trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Chủ tịch nước phân tích: “Những người Việt Nam chúng ta cùng chung nguồn cội, cùng “Con Rồng - cháu Tiên” thì phải cùng nhau bước qua những định kiến, bất đồng còn rơi rớt lại để chung tay xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, phải cùng nhau thực hiện hòa hợp dân tộc vì tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc và của con cháu chúng ta. Tôi kêu gọi kiều bào hãy đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu đi tới của dân tộc, cùng chung tay xây đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, để Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vững vàng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 15 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, tập hợp, đoàn kết cộng đồng, đóng góp xây dựng quê hương đất nước, tích cực vận động, tham gia các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khi trả lời phỏng vấn TTXVN đã cho biết: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng ngày càng nâng cao. Kiều bào tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Trao giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
Tối 1/2, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ 8 - năm 2023.
Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ 8 nhận được 2.216 tác phẩm của các tác giả từ mọi miền đất nước tham gia dự thi, tăng 184 tác phẩm so với mùa giải trước. Từ 120 tác phẩm được Hội đồng Sơ khảo xét chọn, Hội đồng Chung khảo đã xem xét, lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao giải thưởng cho 15 cơ quan báo chí, hội nhà báo và ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức tham gia hưởng ứng Giải. Một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt Giải cũng đã được biểu dương, khen thưởng.
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự Giải năm nay phong phú về chủ đề, thể loại, bám sát các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước. Nhiều tác phẩm đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề cập tới những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội, chiến đấu cao.
Mùa giải năm nay, Thông tấn xã Việt Nam có 5 nhóm tác giả, tác giả được trao giải gồm: 1 Giải A với tác phẩm “Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới” (Phạm Mai - Võ Hoàng Long, Báo điện tử VietnamPlus); hai Giải C với tác phẩm: “Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Thành tựu đối ngoại không thể phủ nhận” (Quang Vũ - Lan Anh - Đăng Quang, Truyền hình Thông tấn), Tác phẩm “Gieo "hạt giống đỏ", nảy mầm sáng tương lai” (Lê Thanh Tùng); hai Giải Khuyến khích, với tác phẩm “Xây dựng Đảng từ khâu "then chốt của then chốt" (Hà Ngọc - Thùy Hương - Trung Sơn - Trần Ngọc Tú - Thùy Dương - Báo Tin tức), tác phẩm “Công tác người Việt Nam ở Nhật Bản: Mọi hành động đều hướng về Tổ quốc” (Nguyễn Tuyến, Báo Tin tức).
Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ: Thêm 6 đối tượng bị khởi tố
Liên quan vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố thêm 6 đối tượng để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các đối tượng bị khởi tố có các cựu cán bộ thanh tra xây dựng và cựu Công an phường Khương Đình. Danh sách các đối tượng bị khởi tố chưa được công bố. Công an thành phố Hà Nội đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng, để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu
Những ngày đầu tháng 2/2024, đặc biệt sáng sớm ngày 2/2, tại Hà Nội, người dân tham gia giao thông trên một số tuyến đường của Thủ đô đã phải bật đèn xe máy, ô tô do sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn. Trên nhiều tuyến phố trung tâm quận Tây Hồ, quận Ba Đình, đặc biệt là các tầng cao của những tòa nhà nhưng Lotte Mall Tây Hồ, Kang Nam, Lotte Liễu Giai,… chìm trong lớp sương mù dày đặc.
Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên.
Đây là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Hình thái thời tiết này ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển của các phương tiện giao thông và chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu, có hại cho sức khỏe con người bởi hiện tượng sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Cụ thể, đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Những người nhạy cảm cần theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.