Nổi bật tuần 5-11/6: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội; cắt điện luân phiên; thi tuyển sinh lớp 10

Tuần 5-11/6, một số sự kiện lớn trong nước được dư luận quan tâm: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội với những vấn đề nóng của đất nước; tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều điạ bàn miền Bắc trong thời điểm nắng nóng. Tại các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.

Các “tư lệnh ngành” đăng đàn trả lời chất vấn

Ngày 6-8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; khoa học và công nghệ; dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng…

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn Ảnh: An Đăng/ TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về nhóm vấn để liên quan công tác dân tộc, gồm: Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030); Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình. Nội dung chất vấn gồm: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống; Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn nhóm vấn đề về giao thông vận tải. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; có 112 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Nhiều hệ luỵ do cắt điện

Trong tuần qua, một vấn đề “nóng” tại nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…, là tình trạng các hồ thuỷ điện khô hạn, nắng nóng trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng, dẫn tới cắt điện luân phiên. Điều này đã gây những bất tiện lớn cho sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Hà Nội, để đảm bảo an toàn lưới điện, Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội đã có thông báo lịch cắt điện một số khu vực. Tuy được thông báo từ trước, nhưng mất điện cũng khiến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn, đặc biệt gây nhiều khó khăn đối với người lớn tuổi và trẻ nhỏ.

Chú thích ảnh
Nắng nóng và bị cắt điện, nhiều người dân tập trung tại một quán nước trong ngõ 162 Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội).

Trong khi đó, tại Hải Phòng, các Hiệp hội Doanh nghiệp vừa có công văn “kêu cứu” ngành điện về tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn khi xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết, đặc thù trong hoạt động khai thác cảng phải luôn luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho các khách hàng, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước phải duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng - mạch máu của nền kinh tế... Việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, bị giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng..

Tại Quảng Ninh, thành phố du lịch biển, người dân và các cơ sở kinh doanh khá bức xúc vì mất điện, còn du khách thì có những trải nghiệm tồi tệ trong những ngày hè nóng nực vì phải vạ vật không có nơi nghỉ đảm bảo.

Trên thị trường, quạt sạc tích điện cháy hàng khi nhiều gia đình săn lùng để chuẩn bị đối phó với lịch cắt điện luân phiên.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, xuất hiện một số website giả mạo thông tin về lịch ngừng, giảm cung cấp điện tại các tỉnh, thành phố phía Bắc như Quảng Ninh, Bắc Giang,… có địa chỉ: https://lichcupdien.org/lich-cup-dien-bac-giang; http://blogdao.net; https://lichcatdien.com/;... Các thông tin này gây hoang mang trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Cuối tuần, một tin mừng với người dân và doanh nghiệp: Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến ngày 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện. Việc có thêm nguồn nhiệt điện 1.000 MW từ 3 nhà máy nhiệt điện nêu trên quay trở lại cung ứng sẽ giúp tình trạng cắt điện ở miền Bắc sẽ giảm bớt khá nhiều.

Kỳ thi cam go với các học sinh vào lớp 10 THPT

Tuần qua, học sinh lớp 9 THCS của các thành phố lớn Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội… tham gia kỳ thi cam go vào lớp 10 THPT.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên cổ vũ thí sinh hoàn thành môn Ngữ Văn tại điểm thi trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Tại Đà Nẵng, theo Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 có 15.484 thí sinh đăng ký dự thi (257 em được tuyển thẳng). So với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023, năm nay, số thí sinh dự thi tăng 484 em nhưng chỉ tăng thêm 80 chỉ tiêu. Trong 2 ngày 6-7/6, thí sinh đã tham gia các môn thi tuyển trong không khí an toàn, đúng quy chế.

Tại TP Hồ Chí Minh, năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 96.334 thí sinh lớp 9 đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập, nhiều hơn khoảng 2.000 em so với năm 2022. Số lượng thí sinh tăng và chỉ tiêu vào lớp 10 công lập cũng tăng với tỷ lệ cao hơn. Tổng chỉ tiêu cho các Trường Trung học Phổ thông công lập là 77.294, nhiều hơn khoảng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2022.

Trong hai ngày thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, tổng cộng có 1.275 thí sinh vắng mặt ở cả 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ ở hệ lớp 10 thường và hệ chuyên. 5 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong kỳ thi này tại TP Hồ Chí Minh, đề thi môn Ngữ văn được nhận định mang yếu tố mới lạ, đảm bảo phân hóa; đề thi Toán được các đánh giá vừa sức với học sinh, có đầy đủ kiến thức trong khung chương trình. Đề thi có tính mở rộng và tư duy, có những nội dung mang tính ứng dụng thực tế cao.

Tại Hà Nôi, trong 2 ngày 10-11/6, trên 116.000 thí sinh thi vào lớp 10 Hà Nội công lập không chuyên và lớp 10 chuyên của Hà Nội. Hai môn thi đầu tiên: Ngữ vằn và Ngoại ngữ (tiếng Anh) được đánh giá là vừa sức học sinh, nằm trong chương trình học và đã được ôn tập đầy đủ.

Để đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho thí sinh dự thi, theo tin từ Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), liên quan đến kỳ thi tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 - 2024 diễn ra từ ngày 10 - 12/6 trên địa bàn thành phố Hà Nội, EVNHANOI không thực hiện việc cắt điện trên lưới điện cao, trung, hạ thế liên quan đến trọng điểm thi trên địa bàn Thủ đô, thời gian trước trong và sau kỳ thi từ 9/6 đến 13/6.

 

PV/Báo Tin tức
Thêm 1.000 MW nguồn điện được khôi phục vận hành, miền Bắc sẽ giảm cắt điện
Thêm 1.000 MW nguồn điện được khôi phục vận hành, miền Bắc sẽ giảm cắt điện

Từ 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN