Đó là điểm sáng, là thành quả đáng ghi nhận của cấp hội nông dân tỉnh trong việc phát huy vai trò, vận động hội viên đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, sự dìu dắt của các cấp hội, nhiều hội viên nông dân ở tỉnh Ninh Thuận được tiếp thêm động lực, cùng ra sức thi đua, tích cực học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020"; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc "Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn giai đoạn 2011 - 2020", Hội Nông dân tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp với 21 sở, ngành trên các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Việc phối hợp thực hiện đã góp phần phát huy hiệu quả như: Bổ sung nguồn vốn ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội; công tác tập huấn dạy nghề nông thôn.... Các hoạt động này tạo nguồn lực quan trọng để hội nông dân tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ khoảng 600.000 lượt hộ hội viên nông dân trong tỉnh; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân.
Với nhiều hình thức phong phú, các cấp hội nông dân ở Ninh Thuận đã vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên tham gia kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, tổ hợp tác gắn với công tác hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho nông dân với hình thức học đi đôi với hành, giúp nâng cao kỹ năng lao động nông thôn; tổ chức cho cán bộ hội viên nông dân tham quan học hỏi những mô hình làm ăn có hiệu quả ở các tỉnh, thành. Điển hình như: Mô hình nuôi lươn trải bạt tại TP Cần Thơ; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng; mô hình trồng hoa lan ở TP Hồ Chí Minh; mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái ở tỉnh An Giang; tham gia “sàn kết nối cung cầu nông nghiệp, thực phẩm” để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm...
Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi được hội viên nông dân ứng dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày một tăng về số lượng và có hướng lan tỏa sâu rộng. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Sơn; hộ ông Tu Thanh Hường, ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam); hộ ông Châu Văn Năng, ở xã An Hải; hộ ông Nguyễn Văn Mọi, ở xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước); hộ ông Đạo Thanh Thích, ở Xuân Hải, hộ bà Trần Thị Tân, ở xã Tri Hải (huyện Ninh Hải)… có doanh thu hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ trên vài tỷ đồng/năm.
Nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực phối hợp với các cấp hội hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần cho hơn 5.700 hội viên còn khó khăn để phát triển kinh tế, hướng đến thoát nghèo bền vững; giải quyết việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp hội vận động nông dân hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa, kiên cố hoá kênh mương, làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn… tạo thuận lợi cho thông thương, giao lưu hàng hoá và từng bước xây dựng nông thôn mới.
Ông Kiều Như Bổn cho biết thêm: Thời gian tới, các cấp hội ở Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm vận động hội viên nông dân phát huy nội lực; tích cực dồn điền, đổi thửa để nâng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cánh đồng lớn để tạo ra vùng sản suất hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cấp hội vận động hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hội viên nghèo bằng nhiều hình thức để sớm vươn lên thoát nghèo; tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên tham gia kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; phối hợp với các ngành liên quan tăng cường hoạt động khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp hội viên nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 111.294 hộ làm nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó khu vực nông thôn có hơn 97.198 hộ/362.945 khẩu, với trên 126.600 lao động nông nghiệp. Thực hiện các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua, toàn tỉnh có khoảng 600.000 lượt hộ hội viên nông dân tham gia đăng ký thi đua. Hơn 400.000 lượt hộ đã đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và danh hiệu gia đình văn hóa.