Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trước khi ảnh hưởng tới miền Bắc trong chiều và tối 13/11, không khí lạnh đang nén rãnh áp thấp khiến mây mù dày nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp, tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí) ở Hà Nội vẫn đang xấu, các chỉ số chất lượng không khí tăng lên theo từng giờ, người dân vẫn nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Lúc 7 giờ ngày 13/11, ghi nhận ở điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ chỉ số chất lượng không khí AQI vẫn ở mức kém (117), không tốt cho nhóm nhạy cảm, hạn chế thời gian ở ngoài trời. Đến 11 giờ, chỉ số AQI lên mức 239, là mức xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài. Những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài trời.
Cập nhật lúc 11 giờ ngày 13/11, hệ thống quan trắc không khí PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các khu vực trong Hà Nội đã tăng lên. Lúc 7 giờ, chỉ có Sóc Sơn ở ngưỡng tím đã tăng lên 20 điểm quan trắc ngưỡng tím từ 206 - 264, mức nguy hại cho sức khỏe. Trong đó, các điểm Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) là 255, Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) là 256, Đức Thắng (Bắc Từ Liêm) là 264.
Trang thông tin điện tử Air Visual đưa ra chỉ số AQI ở Hà Nội mức tím - mức rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Khuyến nghị người dân chạy máy lọc khí trong nhà, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, tránh tập thể dục ngoài trời và đeo mặt nạ khi ra ngoài. Dự báo trong 7 ngày tới, chất lượng không khí ở Hà Nội tiếp tục ở mức cảnh báo đỏ (151 - 200), không tốt cho sức khỏe.