Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành điện hay việc tưới tiêu ở khu vực hạ lưu mà còn khiến người nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ điêu đứng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở tổ 13, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, làm nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã gần 10 năm nay nhưng chưa năm nào lại gặp khó khăn như hiện nay, do mực nước hồ xuống quá thấp. Để đảm bảo mực nước an toàn cho cá, gia đình phải di chuyển 80 lồng cá từ xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) về thị trấn Yên Bình với khoảng cách hơn 10 km đường thuỷ, trong vòng 15 ngày.
Mặc dù đã có phương án bảo vệ các lồng cá, tuy nhiên gia đình bà vẫn chịu thiệt hại lớn khi 5 tấn cá các loại đang trong chu kỳ phát triển bị chết, thiệt hại khoảng 650 triệu đồng. Nguyên nhân cá chết nhiều là do trong quá trình di chuyển mực nước không ổn định, kèm theo nắng nóng, ngưng đọng nhiều bùn bẩn dẫn đến lượng oxy trong nước thiếu hụt.
Bà Hà cho biết, sau khi di chuyển được các lồng cá, để thuận tiện cho việc vận chuyển thức ăn và nguồn điện sinh hoạt, gia đình đã phải bỏ ra hơn 400 triệu đồng đầu tư đường giao thông cũng như kéo điện lưới từ đất liền ra khu vực chăn nuôi mới.
Hợp tác xã thuỷ sản Hoàng Kim là một trong nhưng đơn vị có số lượng cá lồng lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Bình với 300 lồng cá các loại, trung bình mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Tuy nhiên bước vào vụ cá năm nay, hợp tác xã đã gặp rất nhiều khó khăn do mực nước hồ xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc cũng như bán cá ra thị trường.
Chị Vũ Thị Thu Hương, Quản lý sản xuất Hợp tác xã thuỷ sản Hoàng Kim cho rằng, do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay, khiến lượng nước trong hồ cạn sâu, nước đục và làm môi trường nước thay đổi đột ngột, gây ra thiếu oxy cục bộ. Hàm lượng oxy hoà tan trong nước và các chỉ số này đều vượt ngưỡng cho phép đã khiến 2 tấn cá của hợp tác xã bị chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Theo chị Hương, để cứu các lồng cá trong thời gian nắng nóng, khô hạn như hiện nay, hợp tác xã đã phải làm các guồng nước tạo dòng chảy ô xy cho cá, thế nhưng cũng rất khó khăn vì điện bị cắt luân phiên, chạy máy nổ không đủ tải. Giờ chỉ mong ngóng cốt nước lên trên 50 m thì mới ổn định việc chăm sóc đàn cá được.
Còn với gia đình anh Trần Văn Toản, ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình thì nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ là thức ăn chính cho cá. Nay nước cạn, nguồn lợi thủy sản này không thể khai thác được, gia đình phải bỏ tiền mua thức ăn cho cá. Cùng với việc thiếu thức ăn, nước cạn dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh trên cá ngày càng tăng.
"Giờ chỉ mong nước đầu nguồn về, chứ nếu có mưa xuống thì nước ở trên đồi chảy xuống, gây sục bùn khiến các hộ nuôi cá lại phải di chuyển lồng ra lòng hồ để phòng dịch bệnh", anh Toản nói.
Hiện trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình có gần 2.000 lồng nuôi cá của hàng trăm hộ dân. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trong giai đoạn này, các đơn vị chức năng của huyện khuyến cáo hộ nuôi cần chủ động biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán có thể còn kéo dài, đảm bảo môi trường sống cho cá.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết, đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo hộ dân chăn nuôi cá lồng trên hồ, tại các vị trí bị ảnh hưởng của nước cạn thì tìm cách di chuyển lồng đến những khu vực nước sâu hơn. Đối với những hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện thì cần đầu tư máy sục khí, máy bơm oxy để tạo oxy cho cá trong những ngày nắng nóng, oi bức.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà, thời điểm này, mực nước hồ đang dao động từ 45 đến dưới 46 m, thấp hơn mực nước chết 15 cm đến 20 cm. Với mực nước này, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc thường xuyên theo dõi mực nước, tăng cường quạt nước để trao đổi oxy, người nuôi cần phải bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.
Cùng đó, cần lựa chọn những loại thức ăn phù hợp, chất lượng, tránh ăn những thức ăn bị ôi, thối, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh trưởng của cá cũng như đảm bảo môi trường.