Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp có giải pháp quản lý nhân sự duy trì hoạt động, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) phối hợp cùng MISA tổ chức hội thảo trực tuyến vào ngày 18/8, với chủ đề “Quản trị nhân sự - Duy trì hiệu suất làm việc từ xa” thu hút gần 1.000 các nhà quản lý, người làm nhân sự của các doanh nghiệp tham gia.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, để duy hoạt động và kết nối với mọi người, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để thông tin, trao đổi làm việc. Tuy nhiên, quản lý nhân sự sao cho hiệu quả là bài toán đang được các doanh nghiệp tính đến trong bối cảnh làm việc từ xa kéo dài. Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme chia sẻ: “Kể cả giai đoạn chưa có dịch bệnh cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp vấn đề trong quản trị nhân sự. Nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch COVID-19 đang tạo ra một bối cảnh mới, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện quản trị quy trình và và ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tối ưu hiệu quả hoạt động”.
Chuyên gia nhân sự Phan Sơn, Giám đốc chuyên môn tại Học viện quản trị HRD Academy, đã chỉ ra 9 thách thức khi làm việc từ xa. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, ông Sơn nhận định: “Những rào cản từ việc không có hệ thống quy trình, quy định, văn hóa doanh nghiệp và công cụ quản lý từ xa là thách thức lớn nhất cho tổ chức. Bởi trước COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có thói quen làm việc từ xa, tương tác hoàn toàn trên môi trường trực tuyến”.
Thêm vào đó, giảm hiệu suất không phải nhân viên không làm được việc mà vấn đề nằm ở việc thiếu thông tin do khoảng cách giữa nhân viên với lãnh đạo và người làm nhân sự khiến thông tin truyền đạt thiếu sự đồng nhất, thông suốt và bị trễ. Bởi vậy, họ khó tiếp cận với mục tiêu của doanh nghiệp, bị rời rạc và thiếu sự tập trung hơn, gây ảnh hưởng đến hiệu suất và giảm sút về doanh số.
Ông Phan Sơn chia sẻ, từ thực tế cho thấy từ cuối tháng 7 đến nay tại Hà Nội, các doanh nghiệp phải áp dụng các mô hình khác nhau như: Cho một số lao động nghỉ luân phiên hoặc một nửa nghỉ, một nửa làm việc từ xa hoặc tất cả làm việc từ xa. Một số doanh nghiệp vẫn cho rằng đây là giải pháp tạm thời nhưng cũng có doanh nghiệp tính đến là giải pháp trong dài hạn, nhất là nhìn vào tình hình dịch trong gần 2 năm qua. Để quản trị doanh nghiệp làm việc từ xa cần một quy trình khắc hẳn quy trình làm việc trực tiếp. Điều này cần ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì thông tin và nhiều doanh nghiệp đang muốn đi tìm một mô hình cho phù hợp.
Từ nghiên cứu vận hành của các đơn vị đã triển khai, chuyên gia Phan Sơn cho rằng, hiệu suất của nhân sự khi làm từ xa sẽ chịu tác động từ 4 yếu tố chính: Hệ thống quy trình/quy định và công nghệ, năng lực nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và ảnh hưởng từ lãnh đạo. Trong đó, ông Sơn nhấn mạnh ứng dụng công cụ phần mềm quản lý và triển khai công việc là bước tiên quyết để vận hành doanh nghiệp từ xa. Bởi không thể tương tác trực tiếp thì chỉ khi sử dụng các ứng dụng mới đảm bảo tính kết nối để có sự gắn kết, tạo động lực làm việc cho nhân viên ngay trên môi trường số.
Từ góc độ doanh nghiệp cung cấp nền tảng hỗ trợ kết nối quản trị nhân sự, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ: Vấn đề lớn nhất khi làm việc từ xa là sự kết nối và phối hợp giữa các bộ phận trong đơn vị sao cho nhịp nhàng. Do vậy, khi làm việc từ xa quản lý được đầu việc. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin dã được các doanh nghiệp triển khai ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số và trong bối cảnh làm việc từ xa thì rất cần sự quyết tâm của chủ doanh nghiệp. Việc áp dụng nền tảng sẽ thay đổi phương thức làm truyền thống nên cần sự đồng lòng áp dụng từ lãnh đạo đến nhân viên. Hiện đơn vị đang triển khai áp dụng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Misa amis với hơn 12.000 doanh nghiệp trong bối cảnh làm việc từ xa.
Đánh giá về việc triển khai các ứng dụng nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp từ xa, ông Mạc Quốc Anh cho biết: Làm việc từ xa hiện nay đã trở thành phương thức làm việc của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, muốn vậy doanh nghiệp hình thành văn hóa doanh nghiệp từ xa và như vậy sẽ duy trì hoạt động, hiệu suất làm việc của nhân viên.