Qua vụ việc này, càng thấy rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, chăm sóc, hướng dẫn học sinh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, học sinh tạm dừng đến trường.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm
Ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều nhà trường đã đăng trên trang web hướng dẫn học sinh cách phòng tránh tai nạn thương tích khi ở nhà mùa dịch. Trên nhóm lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng gửi thông điệp cảnh báo, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra các thiết bị điện tử con đang sử dụng để học trực tuyến. Nhiều phụ huynh cũng tìm những thông tin về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ để gửi cho nhau cùng thực hiện.
Trong hướng dẫn của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) gửi đến phụ huynh học sinh nêu rõ về cách phòng tránh bỏng, hóc, tắc nghẹn đường thở, điện giật, động vật cắn, ngộ độc thức ăn… cho học sinh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, học sinh tạm dừng đến trường. Nhà trường cũng đề nghị gia đình cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, đồng thời hướng dẫn trẻ chủ động phòng, chống tai nạn thương tích.
Còn ngay trong tiết học cuối buổi sáng 10/9, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, lớp 11D8 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng gửi thông báo tới các phụ huynh đề nghị phối hợp với giáo viên và nhà trường trong việc quản lý, hướng dẫn học sinh, đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện để học trực tuyến.
Cô Trần Thị Hồng Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ năm học trước, mỗi lần triển khai dạy học trực tuyến, Ban giám hiệu nhà trường đều lưu ý giáo viên triển khai song song cả về nhiệm vụ học tập lẫn rèn luyện ý thức cho học sinh, đặc biệt là việc phối hợp với phụ huynh để quản lý và phòng tránh những nguy cơ tai nạn thương tích cho học sinh khi tạm dừng đến trường.
“Tuy nhiên, sau sự việc đau lòng vừa qua, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên thường xuyên trao đổi, tăng cường phối hợp với phụ huynh hơn nữa. Ngay trong giờ học trực tuyến tối 10/9, tôi cũng đã nói chuyện với học sinh, đồng thời gửi lời nhắc nhở đến các phụ huynh trong nội dung dặn dò trên nhóm lớp”, cô Trần Thị Hồng Anh cho biết thêm.
Chung tay phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh
Đối với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học, có rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích khi ở nhà như bỏng, ngộ độc thức ăn, tắc nghẹn đường thở, động vật cắn, điện giật… Đã có khá nhiều vụ trẻ em bị thương và tử vong mà nguyên nhân là do sự nghịch ngợm thiếu hiểu biết của trẻ, sự chủ quan, lơ là của người lớn. Có trường hợp trẻ bị điện giật tử vong vì sạc điện thoại giúp bố; có cháu bé 5 tuổi bị bỏng mặt và mắt, hoại tử 2 bàn tay vì cắm dây kẽm vào ổ điện. Còn rất nhiều trường hợp vừa sạc vừa dùng các thiết bị điện tử dẫn đến cháy nổ thiết bị, gây thương tích nặng nề cho người sử dụng.
Hiện nay, học sinh Hà Nội đang phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều gia đình đã trang bị cho con các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh. Với thời khóa biểu khoảng 4 tiết học/buổi sáng, học sinh sẽ phải sử dụng thiết bị trong thời gian khá dài. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị thiết bị mới, hiện đại. Nếu sử dụng thiết bị cũ, học sinh sẽ phải vừa sử dụng vừa cắm sạc. Mặc dù hiểu về nguy cơ cháy nổ, song nhiều phụ huynh vẫn cho con vừa cắm sạc vừa học và nghĩ “chắc không sao, hết pin thì phải sạc”. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn bất ngờ.
Để phòng tránh những tai nạn thương tích cho học sinh khi ở nhà, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thực sự cần thiết, đặc biệt là các kiến thức về an toàn thiết bị điện trong gia đình.
Chị Nguyễn Linh Hằng (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, bên cạnh học kiến thức thì việc trang bị những kỹ năng cơ bản cho học sinh là rất quan trọng, đặc biệt ở học sinh cấp tiểu học. Ở lứa tuổi này, các con còn nhỏ nên hay tò mò, nghịch ngợm mà chưa lường trước được nguy cơ.
“Nhiều người cho rằng con học ở nhà thì sẽ đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thực tế thì ngay trong không gian ngôi nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ. Nếu bố mẹ lơ là, chủ quan, bỏ qua không dạy con về cách sử dụng các thiết bị trong nhà, hoặc không nói rõ về hậu quả của những việc không được làm, con sẽ có xu hướng tự khám phá theo cách hiểu của con”, chị Hằng chia sẻ.
Cô Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cũng cho rằng, mỗi lứa tuổi có sự hiểu biết và cách tiếp thu khác nhau. Vì thế, khi học sinh ở nhà một mình thì phải trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống cơ bản, liên quan trực tiếp đến các hoạt động khi học sinh ở nhà. Việc này cần sự phối hợp rất lớn từ phía gia đình bởi thực tế, giáo viên dặn dò học sinh có thể quên, nhưng khi bố mẹ nhắc nhở thường xuyên hoặc đưa ra quy định thì con lại rất nhớ.
Thời gian qua, nhiều trường học ở Hà Nội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cho học sinh các kiến thức về kỹ năng sống theo chủ đề qua các buổi nói chuyện của chuyên gia, các vở kịch của học sinh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ hoặc trong tiết sinh hoạt của mỗi lớp. Tuy nhiên, để học sinh nhớ lâu, dần hình thành thói quen thì phụ huynh lại đóng vai trò lớn, đặc biệt khi học sinh ở nhà. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động kết nối với phụ huynh để có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vấn đề của học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, những tai nạn thương tích xảy ra với học sinh, dù trong hay ngoài nhà trường đều hết sức đau lòng. Các nhà trường và mỗi gia đình cần lưu tâm hơn nữa trong việc bảo vệ và hướng dẫn trẻ, cũng như có các biện pháp phòng ngừa trước những nguy cơ có thể gây thương tích cho trẻ. Việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…