Khoa Tiêu hóa – bệnh viện Bạch Mai điều trị nhiều bệnh nhân bị ngộ độc liên quan đến rượu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Nguy cơ lạm dụng rượu bia hoặc uống phải rượu giả gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho công tác bảo đảm sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngăn chặn rượu kém chất lượngTheo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 1“đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml từ 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml từ 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị/ngày được coi là lạm dụng rượu.
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc rượu là do thị trường vẫn tồn tại rượu không bảo đảm an toàn và rượu chứa hàm lượng methanol cao do trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt là rượu sản xuất thủ công, không nhãn mác, gian lận thương mại... Nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu chưa cao; nhu cầu sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu (không rõ nguồn gốc, giá rẻ, rượu ngâm các cây và con vật…) còn phổ biến. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công còn rất hạn chế.
Đặc biệt, phải nó đến nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao nhiều lần giới hạn cho phép bán, gây ngộ độc cấp tính cho người tiêu dùng. Với người dùng đã có tiền sử nghiện rượu hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ngộ độc đe dọa tính mạng. Nhận thức của người tiêu dùng về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, rượu không nhãn mắc còn hạn chế, nhất là ở các vùng, nhóm nạn nhân có điều kiện tinh tế khó khăn. Đặc biệt, khi xảy ra ngộ độc rượu, các nạn nhân chưa được cấp cứu, điều trị kịp thời do lầm tưởng là say rượu thông thường…
Cần có quy chuẩn kỹ thuật với rượu thủ công Bộ Y tế nêu rõ: Tết là thời điểm hay xảy ra các vụ ngộ độc rượu lớn. Việc lạm dụng rượu bia gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, các bệnh ung thư, tim mạch, huyết áp, tâm thần... Để phòng chống ngộ độc rượu, bảo vệ sức khoẻ của người dân, các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời nâng cao ý thức, thay đổi hành vi cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn…
Các nhà sản xuất, kinh doanh cần có trách nhiệm, lương tâm, ý thức để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nặng các nhà sản xuất, đặc biệt là sản xuất nhỏ về rượu không đảm bảo chất lượng...Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn ngừa kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc; củng cố hệ thống giám sát và phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu.
Cục Cảnh sát Môi trường kiến nghị: Để phòng ngừa ngộ độc rượu hiệu quả, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, các bộ ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và khẩn trương ban hành các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại rượu thủ công, truyền thống (nhất là một số địa phương có hoạt động sản xuất rượu thủ công truyền thống tương đối phát triển, sản lượng tiêu thụ lớn như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Định...).
Các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân. Đồng thời, các cấp các ngành cần cử cán bộ trực tiếp đến các địa bàn phức tạp, trọng điểm về sản xuất, kinh doanh rượu để nắm tình hình, tập hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng các văn bản pháp luật về quản lý, cấp phép cho các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; nhắc nhở, hướng dẫn ký cam kết không sản xuất, bán các loại rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn; lên danh sách các đối tượng, đường dây, ổ nhóm, tụ điểm sản xuất tiêu thụ rượu không đảm bảo an toàn để phòng ngừa, đấu tranh…