* Thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nền nhiệt dưới 10 độ C, những bản vùng cao chỉ còn từ 5 đến 7 độ C. Để đối phó với diễn biến phức tạp khi nhiệt độ giảm sâu kéo dài, tỉnh Yên Bái đã có công điện chỉ đạo, thành lập các tổ công tác và tăng cường cán bộ khuyến nông xuống cơ sở giúp đỡ, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhất là các địa phương vùng cao. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi trong mùa Đông năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, thông qua hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp, phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo đến từng hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại; hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cây giống, con giống; tuyên truyền sâu rộng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cần thiết cho từng loại vật nuôi; kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh trong phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
Là địa phương vùng cao, đặc biệt khó khăn, huyện Mù Cang Chải đã sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gần 100.000 con gia súc chính. Ngay từ đầu tháng 11, huyện Mù Cang Chải đã giao nhiệm vụ cho từng phòng chuyên môn, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý phụ trách, trực tiếp chỉ đạo từng địa bàn với những phương án phòng chống cụ thể.
Ông Hoàng Văn Hân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng nhiều phương án cụ thể ứng phó cho từng cấp độ phức tạp của thời tiết; yêu cầu người dân làm chuồng trại kín gió, di chuyển gia súc về chuồng, không thả rông vào rừng trong suốt mùa Đông; tận dụng tối đa những khu đất trống để trồng cỏ voi và đảm bảo dự trữ đủ lượng rơm khô; khuyến cáo người dân dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
Mùa Đông ở những huyện vùng cao nhiệt độ thường giảm sâu, sương muối, nhiều năm xuất hiện băng tuyết. Do vậy, để hỗ trợ phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, tỉnh Yên Bái đã dành nguồn kinh phí hợp lý giúp người dân vùng cao làm mới và tu sửa chuồng trại nuôi gia súc, bảo đảm 3 cứng (cứng khung, cứng mái, cứng nền), tuyệt đối không để đọng nước trên nền chuồng nuôi; hỗ trợ đủ 100% lượng vaccine tiêm phòng cho đại gia súc và thuốc tiêu độc khử trùng.
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu cho biết, tính đến thời điểm này, huyện đã triển khai tốt việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc đến từng hộ chăn nuôi tại 57 thôn, bản của 12 xã, thị trấn. Vận động người dân dự trữ được gần 3.500 cây rơm, mỗi xã trồng mới ít nhất 2 ha ngô sinh khối, các hộ dân trồng thêm diện tích cỏ voi, VA06 để bảo đảm thức ăn tươi cho đàn gia súc; duy trì phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, không để mầm bệnh bùng phát.
Đối với vùng núi thấp như huyện Yên Bình, địa phương có hàng trăm cơ sở chăn nuôi tập trung và hàng nghìn hộ dân chăn nuôi quy mô nhỏ, có nguồn thu chủ yếu nhờ chăn nuôi. Khi mùa Đông tới, những lớp tập huấn phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi từ cấp huyện đến cấp thôn được tiến hành đều đặn. Kinh nghiệm và những bài học từ nhiều năm được người dân tiến hành thuần thục, thành thạo từ khâu dự trữ thức ăn đến khâu gia cố chuồng trại, chăm sóc và chữa bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, huyện Yên Bình cho biết, đến thời điểm nay, 100% các hộ chăn nuôi đều được hướng dẫn gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ đủ lượng thức ăn khô, ủ chua nhiều loại thức ăn tươi cho đàn gia súc; tập huấn tiêm phòng vaccine và biết cách phòng tránh, xử lý khi gia súc mắc bệnh; định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; khuyến cáo người dân không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại; có chế độ chăm sóc đặc biệt đối với gia súc già yếu, gia súc non; đảm bảo khi nhiệt độ xuống thấp, không thể chăn thả, người dân vẫn đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho vật nuôi.
Trước dự báo mùa Đông năm nay sẽ có nhiều đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài, bên cạnh các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết hằng ngày, dự báo trước mỗi đợt rét đậm, rét hại, cảnh báo băng tuyết để người dân thực hiện phương án nuôi nhốt và sưởi ấm cho đàn gia súc.
Yên Bái tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bắt buộc che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng trại; có phương án dự trữ nguồn thức ăn để nuôi nhốt trâu, bò dài ngày; bổ sung thức ăn tinh bột, nước muối ấm hằng ngày và duy trì tiêm phòng đúng lịch trình cho đàn gia súc.
Đồng thời, tỉnh tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, nhất là người dân ở vùng cao biết, chủ động phòng chống; duy trì nghiêm chế độ trực ban, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có bệnh dịch để kịp thời khoanh vùng xử lý; không nhập gia súc, gia cầm non về nuôi trong thời gian này./.
*Tại Hà Tĩnh không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, rét hại. Để ứng phó với thời tiết, nông dân Hà Tĩnh đã chủ động “kích hoạt” phương án bảo vệ đàn vật nuôi như che chắn chuồng trại, đốt đèn sưởi ấm, cho ăn thức ăn dinh dưỡng…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, hiện nay trên toàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng đàn trâu, bò ước đạt 240.000 con; đàn lợn 400.000 con và 10 triệu con gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, đặc biệt là những vật nuôi thường hay chăn thả như trâu, bò… ở các huyện miền núi, ngành chuyên môn đã chủ động ban hành các công điện về việc tăng cường phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi.
Gia đình chị Lê Thị Soa, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê nuôi 11 con trâu, bò. Ngay từ đầu mùa rét, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình chị đã chủ động che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn chăn nuôi và các biện pháp phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, đặc biệt là trong những ngày rét đậm, rét hại như hiện nay.
Chị Soa cho biết, gia đình có kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò nên đã tuân thủ việc nuôi nhốt, không thả rông trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Vào ban đêm, gia đình chị Soa cũng đốt than sưởi ấm cho trâu bò. Nguồn thức ăn dự trữ cũng được gia đình chuẩn bị chu đáo như rơm khô, cỏ... đảm bảo vật nuôi không đói, rét.
Toàn huyện Hương Khê hiện có hơn 34.000 con trâu bò, trên 49.000 con và hơn 1 triệu 600 con gia cầm. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển và sinh trưởng tốt trong mùa Đông, ngành nông nghiệp huyện Hương Khê đã phân công cán bộ chuyên môn đến từng xã đôn đốc, hướng dẫn các hộ áp dụng biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm như: củng cố chuồng trại chăn nuôi bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và phòng, chống đói, rét. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư để sưởi ấm cho vật nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo, người dân cần chủ động đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Những năm qua, nhờ chủ động phòng tránh đói rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt những vật nuôi hay được người dân nuôi thả rông, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên như trâu, bò và các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, cùng với ý thức của bà con nông dân nên trên địa bàn Hà Tĩnh không có tình trạng trâu, bò ngã, chết vì đói rét.