Sau khi nước rút, người dân ở xã Tam An, huyện Phú Ninh đã đồng loạt ra quân dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh các giếng nước, bể chứa nước bị bùn non lắng đọng dưới đáy, sau đó dùng phèn chua, hóa chất Cloramin B để làm trong và khử trùng nước. Dọc các tuyến đường, khu chợ, đoàn thanh niên địa phương cùng với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tiến hành khơi thông dòng chảy, thu gom rác thải về nơi tập kết để chờ xe chở rác của công ty môi trường đến mang đi chôn lấp.
Ông Nguyễn Bá Lĩnh, Trưởng trạm y tế xã Tam An cho biết, địa phương đã in các tờ rơi về hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt và xử lý môi trường sau mưa lũ cấp phát tới từng hộ dân. Số lượng hóa chất Cloramin B dạng bột và dạng viên được ngành Y tế tỉnh Quảng Nam cấp phát đầy đủ và đã phân bổ tới các thôn để xử lý môi trường.
Hiện nay, công tác thu gom rác thải ở thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh được người dân, công nhân môi trường, các lực lượng vũ trang tích cực thực hiện. Hai địa phương này cũng đã huy động thêm các xe chở rác từ huyện Tiên Phước, Núi Thành tới hỗ trợ nhằm sớm xử lý lượng rác rất lớn bị ứ đọng sau mưa lũ. Những khu vực sau khi dọn dẹp sạch rác thải, cán bộ y tế dự phòng cơ sở sẽ phun thuốc khử trùng nhằm làm sạch môi trường sống cho người dân. Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã làm hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm nuôi phân tán và nuôi tập trung trong các trang trại của các địa phương Phú Ninh, Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam bị chết. Các địa phương hiện đã bố trí khu vực xử lý xác súc vật chết theo quy định.
Bác sĩ Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước mùa mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đều được cấp phát đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và vật tư cần thiết để xử lý môi trường. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng vừa cấp bổ sung thêm hóa chất Cloramin B cho một số xã bị ngập lụt nặng của huyện Phú Ninh như Tam An, Tam Đàn để nhanh chóng xử lý môi trường.
Ngành Y tế tỉnh cũng khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, không mặc quần áo ướt, hạn chế lội vào chỗ nước bẩn, ngủ phải mắc màn để phòng ngừa một số dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ...