Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa và sự hình thành, phát triển vượt bậc của các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặt khác làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, dẫn đến gia tăng lượng chất thải rắn phát sinh cả về số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường.
Dự kiến cuối tháng 12/2019, Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn sẽ chính thức diễn ra. Đây là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện về công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian qua, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động, nhằm xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thời gian tới. Nhân dịp này, TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về “Quản lý và xử lý chất thải rắn”.
Bài 1: Hiện trạng công tác quản lý
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó đô thị phát sinh .000 tấn/ngày, khu vực nông thôn 32.000 tấn/ngày. Nhưng trong quá trình thu gom và xử lý vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn nhiều trở ngại, đã và đang gia tăng ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí tại nhiều địa phương.
Sức ép môi trường gia tăng
Tính đến tháng 5/2019, cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt ,5%.
Sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị (chủ yếu do di dân nông thôn ra thành thị) trong các năm qua diễn ra nhanh chóng, gây áp lực đến môi trường. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh có xu hướng gia tăng qua các năm, trong khi hệ thống hạ tầng liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ đô thị hóa.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đang làm sâu sắc hơn các bất cập hiện tại, tạo ra thách thức mới cho quá trình đô thị hóa, trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các hoạt động kinh tế, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang là nguồn phát sinh chất thải lớn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt. Hiện cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 khu công nghiệp tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp tại các vùng lãnh thổ đến năm 2020 khoảng 57.000 tấn/ngày, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.
Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có giao thông, y tế và du lịch cũng có những đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở Viện, Trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác.
Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số /2015 ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019 ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại tại nguồn.
Nhưng thực tế hiện nay phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, việc phân loại tại nguồn phát sinh mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn thực hiện mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, việc phân loại tại nguồn chưa đạt được kết quả là do trên thực tế, các chất thải tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai và bán tái chế trước khi các đơn vị thu gom, vận chuyển có thể thu hồi.
Hiện các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại, nên trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn chưa có hiệu quả.
Trong nhiều trường hợp, chất thải được phân loại tại nguồn trong khi cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao. Một số công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt không yêu cầu việc phân loại, trong trường hợp đó cần xem xét tính cần thiết của việc phân loại tại nguồn.
Bất cập về thu gom, vận chuyển
Hiện các thiết bị phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị lớn mới có các phương tiện chuyên dụng như các thùng chứa, các xe chuyên dụng được các Công ty URENCO sử dụng.
Còn tại các vùng nông thôn thường sử dụng các phương tiện xe thủ công để vận chuyển đến điểm tập kết. Việc thu gom, vận chuyển được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương.
Tại đô thị, chất thải phát sinh tại các hộ gia đình thông thường được các đơn vị thu gom theo giờ nhất định, các phương tiện xe thủ công được người thu gom sử dụng để chuyển rác thải ra các điểm tập kết, từ đó đưa lên xe vận chuyển về cơ sở xử lý hoặc về trạm trung chuyển trước khi chuyển về cơ sở xử lý.
Ở khu vực nông thôn, nhiều địa phương đã có các tổ tự quản, Hội Phụ nữ… thu gom chất thải theo tần suất nhất định và chuyển đến điểm tập kết, để các công ty môi trường đô thị vận chuyển về cơ sở xử lý. Song nhiều trường hợp không được thu gom dẫn đến việc hình thành các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện mới có 22 tỉnh, thành phố sử dụng trạm trung chuyển chất thải, nhưng việc lựa chọn các khu vực tập kết và các trạm trung chuyển thường khó khăn, hay gặp phải sự phản đối của người dân do việc tập kết và trung chuyển tạm thời phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác và thu hút côn trùng, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. Nhiều điểm tập kết không có mái che nên khi mưa gây ướt, nước rỉ rác phát sinh ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư.
Công tác vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó mức phí vệ sinh môi trường (giá dịch vụ thu gom, vận chuyển) thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, phương tiện vận chuyển còn gây rò rỉ, rơi vãi chất thải trong quá trình vận chuyển.
Nhiều địa phương tuy chủ động cải tiến phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn cho phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương, nhưng lại vướng mắc quy định của ngành giao thông khi đăng kiểm, do vậy cần có hướng dẫn kỹ thuật về phương tiện thu gom, vận chuyển, đảm bảo tuân thủ yêu cầu và giải quyết tính hiệu quả, đăng ký kiểm định theo quy định của ngành giao thông vận tải.
Bài 2: Ưu điểm và nhược điểm của các công nghệ xử lý