Do đó, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là phải sớm có những giải pháp thu gom và xử lý chất thải rắn triệt để, không gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường. TTXVN giới thiệu chùm 3 bài về chủ đề này.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016 cả nước thu gom được trên 33.167 tấn chất thải rắn, trong đó tổng lượng chất thải rắn thông thường thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt khoảng 27.067 tấn (chiếm tỷ lệ 81%). Như vậy, vẫn còn khoảng 5.100 tấn chất thải rắn được thu gom nhưng chưa xử lý theo quy định, chưa kể lượng lớn chất thải rắn chưa được thu gom, đã và đang gây ô nhiễm môi trường.
Theo phân tích của nhóm chuyên gia Lê Hoàng Anh, Mạc Thị Minh Trà, Nguyễn Thị Bích Loan, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc -Tổng cục Môi trường: Nguồn gốc phát sinh chất thải rắn là do hoạt động của con người, chính vì vậy chất thải rắn rất đa dạng. Có nhiều cách phân loại chất thải rắn, ví dụ như phân loại theo nguồn gốc phát sinh, phân loại theo thành phần hóa học, theo tính chất độc hại, theo khả năng công nghệ xử lý và tái chế… Tùy theo lĩnh vực hoạt động của con người mà chất thải rắn sinh ra được phân loại thành chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn đô thị; chất thải rắn nông nghiệp; chất thải rắn công nghiệp; chất thải rắn y tế.
Trước hết trong các nguồn phát sinh chất thải rắn, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng nhanh theo quy mô dân số đô thị. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 ÷ 16 % mỗi năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh, chiếm tới 45,24% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị lớn trên cả nước; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%).
Tại khu vực nông thôn, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 0,33 kg/người/ngày. Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long 0,4 kg/người/ngày, thấp nhất là vùng núi phía Bắc (0,2 kg/người/ngày). Đến nay số lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện chưa được thống kê đầy đủ, do công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn hạn chế.
Mặc dù tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý năm 2016 là 33.100 tấn/ngày (đạt 85,5%). Lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 đạt khoảng 90%. Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng từ nhiều năm trước, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nhân rộng triển khai tại các quận nội thành.
Công tác thu gom chất thải rắn tại nông thôn cũng đã được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các khu vực nông thôn vùng đồng bằng. Khu vực miền núi, do tập quán sinh hoạt, rác thải sinh hoạt phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà (đổ ra vườn). Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.
Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phần thân thải bỏ của các cây trồng ngắn ngày (ngô, đậu...) hay các loại vỏ, chất thải sau sơ chế (điều, cà phê...) chiếm một lượng khá lớn, không được tính toán trong thống kê lượng chất thải rắn phát sinh của các địa phương cũng như toàn quốc. Bên cạnh đó, chất thải rắn chăn nuôi đang là một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn. Theo ước tính, có khoảng 40 - 70% (tùy theo từng vùng) chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch...
Lượng chất thải rắn công nghiệp ở nước ta những năm gần đây phát sinh rất lớn, đặc biệt là ở những vùng có ngành công nghiệp phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu... Riêng Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016 khối lượng chất thải rắn công nghiệp ước phát sinh khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày, từ hơn 2.000 nhà máy lớn và khoảng 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, nằm trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát sinh lượng lớn chất thải rắn thông thường khoảng 1.000 tấn/ngày, chủ yếu là xỉ thép, tạp chất từ phế liệu thép nhập khẩu, xỉ than đá, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải…
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, riêng từ các khu công nghiệp khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Thành phần chất thải rắn công nghiệp có thể thay đổi theo hướng gia tăng chất thải nguy hại, đây là kết quả của quá trình gia tăng mức độ công nghiệp hóa và sử dụng hóa chất ngày càng cao.
Với lợi thế là mô hình sản xuất tập trung, các khu công nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong việc quản lý chất thải. Do đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực này cao hơn so với các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp, chất thải rắn thường được tận dụng tái chế, tái sử dụng tối đa, phần thải bỏ sẽ ký hợp đồng với đơn vị/doanh nghiệp xử lý chất thải để xử lý tập trung. Phần lớn các cụm công nghiệp vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp việc quản lý, kiểm soát ô nhiễm còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, các công trình xây dựng tăng nhanh ở các đô thị lớn của cả nước, nên lượng chất thải xây dựng cũng tăng rất nhanh, chiếm khoảng 10 ÷ 15% chất thải rắn đô thị. Các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chất thải rắn xây dựng chiếm 25% chất thải rắn đô thị. Đối với các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, chất thải rắn xây dựng chiếm 12 - 13% lượng chất thải rắn đô thị.
Ước tính đến năm 2020, lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 3.900 tấn/ngày và tăng lên trên 6.400 tấn/ngày đến năm 2030. Thành phần chủ yếu của chất thải rắn xây dựng là đất cát, gạch vỡ, thủy tinh, bê tông và kim loại... thường được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế năm 2017 ước khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có khoảng 47 - 50 tấn/ngày là chất thải y tế nguy hại. Chất thải rắn y tế ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao... Năm 2017 có 100% bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế thuê xử lý chất thải rắn y tế thông thường. Chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh ngoài sự quản lý của Bộ Y tế, phần lớn được thu gom và vận chuyển đến các khu vực lưu giữ, sau đó được xử lý tại các lò thiêu đốt nằm ngay trong cơ sở hoặc ký hợp đồng vận chuyển và xử lý với các cơ sở đã được cấp phép.
Bài 2:Nan giải trong xử lý chất thải rắn từ hoạt động sản xuất đặc thù