Luật Bảo hiểm xã hội sau 10 năm thi hành đã đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, trong đó có vấn đề chế độ ốm đau, thai sản.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023) Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện, dự án luật tiếp tục được trình Quốc hội xem xét một lần nữa tại Kỳ họp thứ 7 này. Nội dung chế độ ốm đau, thai sản nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước.
Kiến nghị con dưới 16 tuổi bị ốm đau, cha mẹ được nghỉ việc để chăm sóc
Theo quy định của Luật hiện hành, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.
Nhìn về quy định này, bà Tô Ái Vang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và trên thực tế khi con ốm thường bố mẹ vẫn phải nghỉ để chăm, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nan y mãn tính hoặc nằm viện cha mẹ cũng phải nghỉ việc để chăm sóc con.
Do vậy, theo bà, cần quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau với những trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Có nghĩa là, một năm được hưởng chế độ ốm đau tối đa 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên. Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau theo quy định này mà con vẫn tiếp tục điều trị thì chiếu theo quy định tại Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành để được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Trong buổi tiếp xúc chuyên đề với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang mới đây, cử tri Nguyễn Ngọc Quang, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị An Giang cũng cho rằng, theo quy định pháp luật, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, khi các cháu ốm đau hoặc bị bệnh phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cha mẹ vẫn phải nghỉ việc để chăm con ốm. Hiện tại, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ quy định những trường hợp có con dưới 7 tuổi khi ốm đau cha mẹ mới được nghỉ. Điều này chưa phù hợp với tuổi trẻ em, bởi sau 7 tuổi khi nằm viện trẻ vẫn chưa thể tự lo cho bản thân, cha mẹ vẫn phải chăm sóc. Cử tri này đề nghị Quốc hội xem xét, có chính sách cho người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi, khi ốm đau cũng được nghỉ việc để chăm sóc.
Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản
Quyền lợi của lao động nữ đặc biệt là chế độ thai sản, khám sức khỏe định kỳ… là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm trong những cuộc tiếp xúc chuyên đề được nhiều địa phương tổ chức thời gian qua.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đối thoại với đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trước Kỳ họp thứ 7 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, cử tri Trịnh Thị Bích Thảo, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic Hà Nam kiến nghị chỉnh sửa quy định về chế độ thai sản đối với lao động nữ, đặc biệt chế độ đi khám thai định kỳ, để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe trong thời kỳ mang thai.
Theo lãnh đạo công đoàn các doanh nghiệp đồ gỗ tại Đồng Nai, chính sách thai sản hiện nay quy định người lao động chỉ được nghỉ tối đa 5 lần để đi khám thai, thực tế mỗi tháng phụ nữ mang thai phải đi khám 1 lần, người thai kỳ không ổn định tần suất khám nhiều hơn. Người lao động đề nghị khi phụ nữ mang thai được nghỉ khám thai tối thiểu 9 lần.
Liên quan đến chế độ thai sản, bà Tô Ái Vang phân tích, theo quy định hiện hành, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa 2 ngày cho 1 lần tránh thai. Thực tế, khi người lao động mang thai, theo chỉ định của bác sĩ, bình quân mỗi tháng người lao động đi khám thai một lần, chưa kể những tháng cuối hoặc những người mang thai bệnh lý, để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi.
"Nếu chỉ quy định lao động nữ được khám thai 5 lần trong thai kỳ thì sẽ có nhiều lần lao động nữ phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương để đi khám thai", nhấn mạnh điều này, bà đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật theo hướng, nghiên cứu tăng số lần đi khám thai lên tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 55 quy định, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc với trường hợp sinh thường, 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Tại điểm d quy định trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc. Từ sinh 3 trở lên phải phẫu thuật, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bà Tô Ái Vang kiến nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ tối thiểu lên 10 ngày đối với trường hợp sinh thường và cao hơn, có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên, hoặc sinh con phải phẫu thuật, để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm con nhỏ.
Về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người cha, bà cũng đề nghị tăng lên trong vòng 6 tháng kể từ ngày vợ sinh con để có thể hỗ trợ cho người mẹ chăm con sau khi hết thời gian nghỉ thai sản của người mẹ. Hơn nữa, thực tế hiện nay tại khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất, đa số các cặp vợ chồng trẻ sống xa gia đình, không có sự hỗ trợ của người thân khi sinh con nên rất cần có sự hỗ trợ của người chồng.
Bà cũng cho rằng cần quy định người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường, chứ không chỉ được hưởng trợ cấp một lần như dự thảo Luật.
"Bởi bản chất của chế độ thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi phải chăm con và được chi trả trên nguyên tắc đóng hưởng. Nếu lao động đã đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định phải được hưởng công bằng cho các trường hợp khác. Điều này xuất phát từ quyền lợi của đứa trẻ và mâu thuẫn với khoản 6 Điều 55 của luật này. Đó là trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 55", vị Phó Trưởng Đoàn chuyên trách này phân tích.
Cũng liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, nêu những bất cập trong quy định hiện hành về việc chỉ có người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, bà Lâm Thị Hiếu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đề nghị Quốc hội có chính sách, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Liên đoàn Lao động huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho rằng, hiện nay người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn hàng tháng chỉ đóng bảo hiểm xã hội bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất, vì vậy khi nghỉ thai sản, ốm đau thì không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Bà kiến nghị Quốc hội xem xét, quy định để người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội.