Di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm
Ngày 17/9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai phương án di dời 28.000 hộ dân với 106.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ vào địa bàn. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.
Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương ven biển. Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, xã Phú Thuận đã triển khai các phương án di dời dân đến nơi an toàn. Trên địa bàn xã có 64 hộ với 289 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cần được di dời, trong đó chú trọng 30 hộ ở nơi xung yếu nhất.
Gia đình bà Đặng Thị Thuề (thôn Tân An, xã Phú Thuận) từ sáng 17/9 đã tiến hành thu dọn nhà cửa, vận chuyển những tài sản có giá trị vào niệm phật đường thôn Tân An để tránh, trú bão. Bà Đặng Thị Thuề chia sẻ: Nhà cách biển gần 30 m, nên khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, gia đình đã nhanh chóng thu dọn đồ đạc quan trọng để di dời đến nơi an toàn bởi biết thông tin Huế là tâm bão.
Cùng trú thôn Tân An, chị Lê Thị Lành cho biết: Gia đình ở gần biển nên không thể chủ quan. Để đảm bảo an toàn, các thành viên trong gia đình đã lấy dây để chằng, gia cố nhà cửa, lấy bao cát đưa lên mái nhà để giữ mái tôn, sau đó sẽ di dời đến nơi tránh, trú án toàn theo hướng dẫn của chính quyền xã.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản hoàn tất việc di dời dân cư đến nơi an toàn. Người dân được đưa lên các nhà cao tầng của xã, 2 niệm phật đường, 2 trường học và đình làng. Chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ có nhà cao tầng phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian xảy ra bão, hỗ trợ chia sẻ nơi ăn cho các hộ ở vùng thấp trũng, bị sạt lở. Bên cạnh đó, để đảm bảo lương thực, xã đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm nhằm bố trí gạo, mì tôm, nước uống để nhân dân an tâm.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là các địa phương vùng tâm bão dự kiến đổ bộ vào đang khẩn trương rà soát phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, sạt lở, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các nhà ở, cơ sở lưu trú không an toàn.
Cán bộ các địa phương tích cực hướng dẫn người dân gia cố bảo vệ nhà cửa; chỉ đạo triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ trường học, cơ sở y tế, các tháp cao, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển; bảo vệ đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Hiện tỉnh triển khai ứng phó bão số 5 ở tất các mũi, đặc biệt là các tuyến ven biển xung yếu. Hiện đa số các tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ an toàn. Đối với việc di dời dân cư, toàn tỉnh có trên 28.000 hộ dân với hơn 106.600 khẩu cần sơ tán, di dời; trong đó, có khoảng 17.500 hộ với 64.300 khẩu cần sơ tán đến nhà hàng xóm kiên cố, trên 10.500 hộ với hơn 42.500 khẩu cần di dời đến các khu vực tập trung. Việc di dời dân phục vụ phòng, chống bão số 5 đang được khẩn trương thực hiện. Người dân cần tiếp tục cập nhật thông tin bão và tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương; không chủ quan, chấp hành di dời đến nơi an toàn hơn theo phương án "4 tại chỗ" mà cơ sở yêu cầu.
Trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 17/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế cần đặc biệt quan tâm đến việc di dời dân cư ở những vùng xung yếu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Các địa phương cần chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, kiên quyết di dời những hộ dân ở các vùng nguy hiểm ngay trong ngày đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng địa phương phải đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình sơ tán người dân; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhà yếu không bảo đảm an toàn; đảm bảo an toàn các công trình đang xây dựng, công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cần chú ý những thiệt hại do hoàn lưu bão có thể gây ra ở khu vực miền núi.
Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các sở, ngành có liên quan và các địa phương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.
Quảng Bình cho học sinh nghỉ học để tránh bão
Ngày 17/9, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, từ chiều 17/9, các trường học, đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn; đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp để chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão số 5.
Để chủ động ứng phó, đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, vùng ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng và ven biển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác trực ban; huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra theo. Các đơn vị, trường học liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Ban Chi huy chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương theo dõi sát diễn biến của bão lũ, sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời với các tình huống thiên tai.
Các vùng có nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao theo dõi sát diễn biến thời tiết, tuyên truyền cho học sinh nhằm tránh rủi ro. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên tổ chức túc trực, kiểm tra sẵn sàng ứng phó và có biện pháp sơ tán các trang thiết bị dạy học đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.
Các đơn vị, trường học phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tránh trú trong điều kiện cho phép; chủ động lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho học sinh đi học trở lại sau bão; thực hiện nghiêm túc Công điện 117 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, hiện các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 5. Cô giáo Lê Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Sinh (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: Trường đã có thông báo tới phụ huynh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng bão ngay chiều 17/9. Nhà trường cũng khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống bão như: Chặt tỉa cành cây xanh trong khuôn viên trường; kiểm tra, gia cố chắc chắn toàn bộ hệ thống cửa sổ và cửa chính tại các phòng học; di dời vật dụng, đồ dùng dạy học, tủ đựng chăn gối của học sinh vào những nơi đảm bảo an toàn. Trường sẽ có thông báo cụ thể thời gian đón trẻ trở lại lớp khi có chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục địa phương.