Trước mùa mưa bão năm 2023, tỉnh chủ động các phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và hạ tầng thiết yếu; đồng thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trong 8 tháng năm 2023, thiên tai đã làm 14 nhà và 3 trường học trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, 20km kênh mương nội đồng và hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hại.
Qua khảo sát (trong tháng 9/2023), toàn tỉnh có 137 điểm có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét và 157 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 217.229 m. Trong đó, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và hạ tầng thiết yếu của người dân.
Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi 220 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển và thực hiện các dự án tái định cư nhằm đảm bảo an toàn tài tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư.
Các dự án cần khắc phục khẩn cấp gồm: Chống sạt lở sông Trà Bồng đoạn qua các xã Bình Minh, Bình Chương, huyện Bình Sơn; chống sạt lở bờ sông Trà Khúc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh); chống sạt lở bờ sông Liên Chiểu (phường Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ); xây dựng kè chống sạt lở bờ sông xóm Lân (xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi), xã Bà Thành, huyện Ba Tơ và xử lí sạt lở và tái định cư cho 43 hộ/khẩu khu dân cư Đắk Dép (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây) và 5 hộ tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà Nguyễn Phan Thành Hải cho biết: Tình trạng sạt lở núi Vang Cà Vải tại Tổ dân phố Làng Dầu, thị trần Di Lăng những năm qua có diễn biến phức tạp đã tác động ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân với 24 nhân khẩu người dân khiến người dân không an tâm sinh sống, làm ăn. Nguy cơ sạt lở núi sẽ tiếp tục tiếp diễn khi xảy ra mưa lớn liên tục kéo dài.
Để đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động phương án di dời người dân ở xen ghép trước khi có mưa lớn, bão đổ bộ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng tài sản cho nhân dân. Về lâu dài, địa phương mong tỉnh quan tâm khảo sát, đánh giá bố trí nguồn lực phù hợp khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở núi Vang Cà Vải.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, tình trạng sạt lở núi, bờ sông, bờ biển ở Quảng Ngãi trong mùa mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Tỉnh cần được bố trí nguồn kinh phí để khắc phục các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ phát triển hạ tầng bền vững.
Để ứng phó với mùa mưa bão năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án kịp thời, cụ thể, rõ ràng trước mùa mưa. Mới đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã kiểm tra công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương, đồng thời kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm khắc phục những bất cập để hoàn thiện các phương án thực sự chủ động ứng phó sớm với thiên tai.