Quảng Ninh xử lý dự án hóa chất nằm sát di sản vịnh Hạ Long

Dự án Nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, công suất lớn gồm xút và các thương phẩm khác như chất trợ lắng PAC (loại hóa chất xử lý nước thải), javen (hóa chất tẩy rửa) nằm ngay sát di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang trong giai đoạn thương thảo giữa chính quyền tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư.

Cả chục ngàn tấn hóa chất Clo cùng Axit có nguy cơ rò rỉ ra môi trường mà chưa có lời giải nào thỏa đáng là mối e ngại nhất đối với chính quyền và người dân địa phương.

Dự án mở rộng Nhà máy sản xuất xút của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại Tân Tiến đang tạm dừng. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Quảng Ninh từng... hoan nghênh dự án

Từ “xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than” ở Khu công nghiệp Việt Hưng (thành phố Hạ Long) hoạt động từ năm 2013 đến năm 2015, để mở rộng sản xuất, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (gọi tắt là Công ty Tân Tiến, trụ sở ở Hà Nội) xây dựng dự án sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các thương phẩm khác.

Khi đó, tỉnh Quảng Ninh hoan nghênh và ủng hộ Công ty mở rộng dự án hóa chất và chế biến bột than tại Khu công nghiệp Việt Hưng. Tháng 9/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án sản xuất xút, Clo với công suất 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác của Công ty Tân Tiến vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030. Đề nghị trên được Thủ tướng chấp thuận vào tháng 2/2016.

Ngày 4/5/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần 2 cho dự án. Trong đó, quy mô dự án được điều chỉnh thành: Phèn lọc nước 982 tấn/năm, xút 20 ngàn tấn/năm; axit clohydric (HCL) 30% công suất 44,9 ngàn tấn/năm; Clo lỏng 2,4 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm.

Ngày 20/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 442/QĐ-BTNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó khuyến cáo ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố rò rỉ hóa chất Clo ra môi trường.

Do lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã làm việc với Công ty Tân Tiến để trao đổi về những nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án. Hai bên đã thống nhất phương án thu hồi dự án cũ và điều chỉnh dự án theo hướng hủy bỏ mục tiêu sản xuất Clo lỏng và Axit hydric (HCl).

Ngày 7/8/2017, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh đã ra Quyết định thu hồi dự án, đồng thời có công văn đề nghị Công ty Tân Tiến điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường lại đối với dự án.

Nguy cơ xảy ra sự cố môi trường

Để đánh giá về nguy cơ ảnh hưởng của dự án tới môi trường, ngày 6/4/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chủ động chủ trì cuộc họp làm việc với nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh để xem xét, đánh giá các nội dung đề xuất của nhà đầu tư trên cơ sở không xung đột lợi ích với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác của cộng đồng dân cư khu vực xung quanh dự án, đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển của Quảng Ninh là tăng trưởng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Tư vấn và Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thực hiện trong phạm vi quá hẹp; không sử dụng tính toán đánh giá vòng đời của sản phẩm để tạo cơ sở cho thiết lập hệ thống quản lý môi trường; không áp dụng đánh giá rủi ro sinh thái; chưa tính toán khả năng tự làm sạch vịnh Cửa Lục; chưa làm rõ mô hình thủy động lực vịnh Cửa Lục và đặc biệt đánh giá tác động môi trường dự án chưa tham vấn cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe cho rằng: Với sự thiếu áp dụng một số phương pháp đặc thù và thiếu một số nội dung nghiên cứu cơ bản mà luật pháp Việt Nam đòi hỏi, thật khó có thể yên tâm về dự án hóa chất Tân Tiến, dù rằng nó đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2017.

Từng là chuyên viên cao cấp về công tác quy hoạch, xây dựng và môi trường, ông Trần Đông A, Tổ 5, khu 5, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long nêu quan điểm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nếu có thể nên chuyển nhà máy sản xuất hóa chất độc hại này ra xa vịnh Hạ Long. Quảng Ninh nên có quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho các ngành nghề độc hại ở xa dân cư, xa các vùng di sản.

Theo ông Trần Đông A, nếu xảy ra sự cố nhà máy hóa chất, vịnh Hạ Long sẽ bị nhiễm độc, sẽ hủy hoại môi trường sinh thái vịnh.

Nhiều chuyên gia ủng hộ Khu công nghiệp Việt Hưng không thu hút các dự án có tiềm năng gây ô nhiễm như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hưng, trong đó có ngành sản xuất các loại hóa chất cơ bản như xút, đạm, axit, phân bón, thuốc trừ sâu… đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2009.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Tiến cương quyết bảo vệ quan điểm dự án có công nghệ hiện đại, không gây nguy hại cho môi trường và yêu cầu tỉnh cho phép đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Việt Hưng theo đúng quy hoạch được các cấp, bộ, ngành Trung ương phê duyệt.

Trong khi ấy, chính quyền địa phương bảo vệ quan điểm không chấp thuận dự án đặt sát vịnh Hạ Long, bởi tiềm ẩn nguy cơ cao về sự cố hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt môi trường của Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Quan điểm này phù hợp với nguyện vọng của người dân thành phố Hạ Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành phân tích: Dự án chưa làm rõ việc cân bằng, định lượng các sản phẩm chính trong dây chuyền sản xuất: Vẫn còn dư Clo, chưa có giải pháp xử lý lượng Clo này.


Theo tham vấn của các chuyên gia: Để sản xuất 3.600 tấn javen cần 3.2 tấn Clo; sản xuất 20.000 tấn dung dịch và 10.000 tấn bột chất trợ lắng PAC sẽ cần 4.812 tấn Clo. Như vậy, tổng lượng Clo sử dụng trong quá trình sản xuất là 8.194 tấn/năm, trong khi lượng Clo sinh ra từ quá trình sản xuất 20.000 tấn xút là 17.740 tấn/năm thì lượng clo vẫn còn dư là 9.546 tấn/năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng: Dù cam kết của chủ đầu tư về việc sử dụng thiết bị có công nghệ hiện đại, sử dụng hết Clo và axit HCl để sản xuất chất trợ lắng và nước javen, giảm thiểu nguy cơ sự cố hóa chất... Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ và quy mô sự cố chứ không thể ngăn ngừa xảy ra sự cố gây ô nhiễm, tổn hại môi trường tự nhiên và hệ sinh thái.

Cùng gỡ khó cho doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành khẳng định: Cần bảo vệ nghiêm ngặt vùng vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, tỉnh không khuyến khích các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và khuyến khích nhà đầu tư - Công ty Tân Tiến tiếp tục đầu tư dự án trên địa bàn Quảng Ninh, song ở một vị trí khác, không làm hại môi trường vịnh Hạ Long.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh gợi mở nhà đầu tư có thể đầu tư dự án này ở Khu công nghiệp Hải Hà. Chi cục Bảo vệ môi trường và Chi cục Biển – Hải đảo Quảng Ninh gợi ý: Dự án nên chuyển sang Khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) thuận lợi hơn vì nằm giữa 3 trung tâm của 3 thành phố lớn gồm Uông Bí, Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng với khoảng cách từ 5 – 30km.

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hà đề xuất: Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp tục đầu tư dự án ở vị trí mới. Nếu nhà đầu tư không chấp thuận, bỏ dự án thì Quảng Ninh sẽ bồi thường các chi phí hợp pháp mà nhà đầu tư đã bỏ ra thực hiện dự án.

Tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của Công ty Tân Tiến diễn ra ngày 6/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành đã yêu cầu thành lập tổ công tác gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế cùng với tổ công tác của nhà đầu tư để đánh giá cụ thể nhà máy hóa chất này có hay không tác động đến môi trường. Trong tháng 6 phải có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, ra quyết định.

Văn Đức (TTXVN)
Quảng Ninh không chấp thuận dự án xây nhà máy hóa chất gần vịnh Hạ Long
Quảng Ninh không chấp thuận dự án xây nhà máy hóa chất gần vịnh Hạ Long

Ngày 22/5, Ban Quản lý Khu kinh tế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh) đã chính thức có văn bản công bố không chấp thuận chủ trương thu hút Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy sản xuất xút 20.000 tấn/năm và các sản phẩm khác (chất trợ lắng PAC và chất tẩy rửa javen) tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long theo hồ sơ đề nghị của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN