Hiện nay, ngập lụt vẫn diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là ở vùng “rốn lũ” hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng nằm dọc theo sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tập trung cứu trợ người dân ở những địa bàn bị cô lập, trong đó ưu tiên cho công tác di dời, cấp phát mì ăn liền và nước uống đóng chai.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong) - ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: Những ngày qua, địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ứng trực hỗ trợ người dân di dời; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khẩn cấp nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là mì ăn liền và nước uống đóng chai cho bà con ở vùng bị ngập sâu.
Công tác khắc phục sạt lở trên nhiều tuyến đường ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cũng được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất. Mưa lớn những ngày qua khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn quan huyện miền núi Đakrông bị sạt lở tại Km252, Km255, Km267, Km273.
Đặc biệt, tuyến đường Quốc lộ 9 bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí, trong đó nghiêm trọng nhất là tại Km50+150 bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn, gây tắc giao thông từ thành phố Đông Hà đi các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Lực lượng chức năng đã huy động nhiều phương tiện để khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất, đồng thời ứng trực 24/24 giờ, cảnh báo người và phương tiện không qua lại để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, đường vào trung tâm nhiều xã của huyện Đakrông như: A Vao, Ba Nang, Ba Lòng, A Bung, Tà Long… cũng bị chia cắt do bị ngập lụt và sạt lở ở nhiều vị trí. Tương tự, nhiều tuyến đường liên xã ở huyện Hướng Hóa cũng bị sạt lở như: Hướng Phùng - Hướng Sơn, Hướng Tân - Hướng Linh - Hướng Lập.
Từ ngày 6 đến sáng 13/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến từ 800 - 1.200mm. Mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 8 người chết, 5 người mất tích và 3 người bị thương. Toàn tỉnh có gần 41.000 hộ với trên 125.000 người ở hầu khắp các huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ngập lụt. Lũ lớn khiến tỉnh phải di dời trên 8.200 hộ với hơn 25.000 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Về nông nghiệp, có gần 800 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 1.200 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng. Hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Để ứng phó với mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ về vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn gồm: 2 xe lội nước, 27 xuồng các loại, 2.000 phao cứu sinh, 2.000 áo phao cứu sinh, 100 bè cứu sinh. Đồng thời hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh gồm: 10 tấn hóa chất Benkocid, 2 tấn Chloramin B 9.000.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs.