Ông Hậu cho hay, từ ngày 25/3 đến nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã huy động 40 phương tiện cùng 100 nhân lực thu dọn rác, phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long. Ước tính, lực lượng của Ban đã thu dọn được 7.000 m3 rác, phao xốp đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên vì không chặn được nguồn thải, phao xốp thải trôi và phát tán trên nhiều vùng biển của các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn nay trôi dạt cả sang các huyện Tiên Yên, Hải Hà (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) gây ô nhiễm môi trường biển và nguy hiểm cho các phương tiện vận tải trên biển.
Trung tâm Di sản thế giới (thuộc UNESCO) và Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của họ.
Nguyên nhân của rác, phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nói riêng và vùng biển Quảng Ninh nói chung là do các hộ dân nuôi trồng hải sản xả thải ra biển trong quá trình tháo dỡ thay thế phao xốp bằng vật liệu nhựa nổi HDPE và di dời các lồng bè ở những nơi không đúng quy hoạch.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai hai chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ môi trường biển bền vững là lập lại trật tự nuôi trồng hải sản trên biển; trong đó thực hiện giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ lồng bè nuôi trái phép và thay thế phao xốp bằng vật liệu nhựa nổi HDPE đối với các lồng bè nuôi hải sản. Quá trình thực hiện các chủ trương trên, các hộ nuôi trồng hải sản thay thế phao xốp và tháo dỡ lồng bè đã thả trôi rác thải trên biển, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường biển nói chung và môi trường biển ở khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trước vấn nạn trên, ngày 5/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương ven biển (Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô), Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẩn trương huy động lực lượng ra quân tổ chức thực hiện trục vớt, thu gom và xử lý toàn bộ các vật liệu nuôi trồng hải sản thải bỏ đang trôi nổi trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định, đảm bảo cảnh quan, môi trường biển, an toàn giao thông.
Các địa phương cần khẩn trương bố trí điểm tập kết đảm bảo hợp vệ sinh, đúng quy định và thông báo công khai thông tin để người dân biết, thực hiện. Các cơ quan chức năng hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thu gom rác về các địa điểm tập kết theo đúng quy định; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xả trái phép các vật liệu nuôi trồng hải sản ra môi trường (nếu có).
Mặc dù các địa phương và các cơ quan chức năng đã ra quân thu dọn rác, phao xốp trong nhiều ngày qua, tuy nhiên lượng phao xốp trên biển, nhất là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vẫn còn nhiều. Ông Nguyễn Trung Hậu cho hay kế hoạch của tỉnh là đến 30/6 sẽ hoàn thành việc thay thế xong phao xốp đối với các lồng bè nuôi. Do vậy nếu giám sát không tốt việc thay thế và không thu gom phao xốp ngay tại nguồn thải thì rác, phao xốp vẫn phát tán trên biển và lực lượng chức năng còn vất vả để thu gom. Nếu thực hiện tốt việc ngăn chặn nguồn rác từ thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn thì đến ngày 28/4 Ban Quản lý sẽ cơ bản vớt sạch rác, phao xốp trên vịnh Hạ Long.
Ông Hậu đề xuất cần gắn trách nhiệm lãnh đạo của 4 địa phương ven biển Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên trong việc thực hiện tháo dỡ lồng bè, thay thế phao xốp đảm bảo thu gom tại nguồn, không để phán tán. Tỉnh cũng cần cử lực lượng giám sát 4 địa phương trên về thực hiện tháo dỡ lồng bè, thay thế phao xốp và thu gom rác thải trên biển.
Sau khi đi kiểm tra thực tế trên biển, ngày 17/4, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên chỉ đạo các đơn vị có liên quan thành lập các tổ công tác thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu hồi các vật liệu phao xốp, lồng bè thải bỏ của từng chủ hộ lồng bè nuôi trong quá trình thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE, cưỡng chế tháo dỡ để mang đi xử lý theo quy định; không để tình trạng xả rác thải từ hoạt động tháo dỡ lồng, bè ra khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; xử lý nghiêm các trường hợp xả các vật liệu thải bỏ ra môi trường. Bốn địa phương trên xây dựng phương án giám sát, thu hồi vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ và tổ chức thu gom ngay từ nguồn, không để phát tán ra môi trường; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tiếp tục xảy ra hiện tượng vật liệu nuôi trồng hải sản thải bỏ trên địa bàn không được thu gom triệt để, tiếp tục trôi ra vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch.