Theo đại diện BTC, việc có riêng một logo sử dụng trên quy mô toàn quốc và thế giới sẽ đánh dấu 1 bước tiến mới của hạt gạo. Lựa chọn được một biểu trưng có tính khái quát, thể hiện được hình ảnh, truyền thống, danh tiếng và chất lượng của gạo Việt Nam, đồng thời sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với gạo mang thương hiệu quốc gia; sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh, giá trị của thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các địa phương và các cơ quan tổ chức liên quan vào quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Việc có riêng một logo sử dụng trên quy mô toàn quốc và thế giới sẽ đánh dấu 1 bước tiến mới của hạt gạo. |
Biểu trưng quốc gia gạo Việt Nam phải đảm bảo được một số yêu cầu cơ bản như sau: Thể hiện được bản chất, ý nghĩa và đặc trưng của thương hiệu gạo Việt Nam; không vi phạm các yếu tố về văn hóa, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam và văn hóa thế giới, không có những dấu hiệu chỉ dẫn không phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa và giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, biểu trưng phải có tính khái quát cao, đạt được các yêu cầu về thẩm mỹ, khoa học, tính biểu cảm, dễ nhận biết và ấn tượng đối với người tiêu dùng thể hiện qua cách bố cục, màu sắc, hình ảnh, đường nét…; kết hợp hài hòa giữa hình ảnh (phần hình) và tên gọi (phần chữ); không trùng lặp, sao chép với bất kỳ hình ảnh biểu trưng nào trong và ngoài nước.
Đối tượng dự thi là các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tự nguyện tham gia cuộc thi và cam kết chấp hành các quy định của thể lệ cuộc thi, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức tập thể, người dân đang tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh gạo tham gia cuộc thi. Thành viên Ban Tổ chức và thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi không được tham gia dự thi.