Sạt lở ăn sâu vào vườn cây ăn trái của người dân ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện (Vũng Liêm, Vĩnh Long).
|
Sạt lở ăn sâu vào đất liền tạo thành những “hàm ếch” gây nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân.
Nằm ven sông Tiền, những ngày qua tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn ở khu vực Cồn Giông, thuộc xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt triều cường dâng cao từ rằm tháng 8 âm lịch đến nay. Tuyến đê bao hiện có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao, có đoạn đất bị sụp lún khiến mặt đường giao thông nghiêng hẳn về phía bờ sông gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài ra, sạt lở đất đã khoét sâu vào chân đê, tạo thành những “hàm ếch” rất nguy hiểm. Trên mặt đê cũng xuất hiện những vết rạn nứt lớn, có khả năng sụp lún xuống sông bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Mới (ngụ xã Tân Hội) cho biết, tuyến đường này đã bị sạt lở từ nhiều năm nay, dù chính quyền địa phương đã quan tâm gia cố nhưng mỗi khi đến đợt triều cường dâng thì lại tiếp tục xảy ra sạt lở. Những ngày qua, mặt đường bị nghiêng và rất trơn, gây khó khăn cho người dân. Nếu không sớm khắc phục tình trạng trên dẫn đến sạt lở xảy ra thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống các hộ dân ven đê cùng hàng chục vườn cây, ao nuôi cá của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hội Đỗ Tiệp cho biết, tuyến đê bao Cồn Giông, thuộc xã Tân Hội có tổng chiều dài là 1.500m, trên tuyến đang xuất hiện nhiều đoạn sạt lở với tổng chiều dài trên 300m. Nếu không gia cố kịp thời thì sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trên 140 hộ dân, trên 25ha vườn cây ăn trái và ao nuôi cá của người dân trong khu vực. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân sống dọc tuyến đê bao tự gia cố những điểm sạt nhỏ. Việc gia cố những đoạn sạt lở lớn cần phải có phương tiện cơ giới mới gia cố được nhưng địa phương lại đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa thể thực hiện. Ủy ban nhân dân xã đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Long khảo sát, lập dự toán để bố trí kinh phí kịp thời, giúp gia cố vững chắc tuyến đê bao này.
Là địa phương chịu nhiều thiệt hại trong thời gian qua do tác động của triều cường, chính quyền và người dân các xã cù lao ven sông Tiền, thuộc huyện Long Hồ đang tích cực triển khai nhiều biện pháp gia cố các tuyến đê bao nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Anh Tạ Minh Sang (ngụ xã An Bình) cho biết, do trời mưa lớn và triều cường dâng cao, kết hợp dòng chảy mạnh nên khu vực nơi đây thường xảy ra sạt lở. Hiện tại, người dân đã tự gia cố tạm thời ở các điểm sạt lở nhỏ nhưng lâu dài chính quyền cần sớm có những giải pháp xây dựng đê bao vững chắc hơn để bảo vệ vườn cây ăn trái, đảm bảo cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ cho biết, các đợt triều cường vừa qua đã gây ra 8 điểm sạt lở lớn nhỏ ở khu vực xã An Bình, làm ngập hơn 10 ha nhãn, 12.000 m2 ao nuôi thủy sản ước tổng thiệt hại khoảng 275 triệu đồng. Hiện nay, các vị trí sạt lở đã được gia cố và chưa có dấu hiệu tiếp tục sạt lở trong con nước triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua. Tuy nhiên, trên tuyến ven sông Tiền hiện có hai địa phương còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông cao, đe dọa cuộc sống người dân như: ấp An Long (xã An Bình) và ấp Phú Mỹ 1 (xã Đồng Phú). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã bố trí phương tiện cơ giới và lực lượng đến gia cố tạm thời, khắc phục một số đoạn xung yếu trên địa bàn ấp Phú Mỹ 1. Ngoài ra, địa phương cũng vận động người dân tự gia cố theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng và sản xuất trong những đợt triều cường sắp tới.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 65 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 4.811m, ảnh hưởng 691 hộ dân, ước thiệt hại trên 9,2 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài khu vực ven sông Tiền, trên địa bàn tỉnh còn hàng chục địa phương nằm ven sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Long Hồ đang đối mặt nguy cơ sạt lở bờ sông với tổng số hộ dân cần di dời trên 118 hộ.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn để thông báo, cảnh báo kịp thời cho các cơ quan, đơn vị và người dân biết để phòng tránh, ứng phó hiệu quả. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, ưu tiên gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở khẩn cấp và khắc phục các điểm đã sạt lở; chuẩn bị các loại máy bơm để bơm tát chống ngập úng, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ khi có sạt lở; tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khắc phục khi có thiên tai xảy ra, đồng thời vận động di dời và hỗ trợ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng người dân.