Theo bài báo, lần gần nhất Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) năm 2003 là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về Việt Nam và những kết quả cải cách kinh tế và hội nhập với khu vực rộng lớn hơn. Lần này, SEA Games “quay trở lại” trùng với thời điểm Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn sau khi đối phó, đẩy lùi đại dịch COVID-19.
SEA Games 31 được coi là sự kiện quốc tế lớn nhất do Việt Nam đăng cai trong hơn 2 năm qua, với sự tham gia của hơn 5.000 vận động viên đến từ 11 quốc gia, đồng thời cũng là điểm khởi động cho ngành du lịch của đất nước sau giai đoạn dịch bệnh. Nhằm hướng đến việc thúc đẩy, nâng cao hình ảnh của đất nước trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho SEA Games 31và bố trí thường trực đội ngũ nhân viên y tế dự phòng từ ít nhất 14 bệnh viện và 16 trung tâm y tế. Cũng trong dịp này, Việt Nam đã và sẽ tổ chức các lễ hội ẩm thực, du lịch tại Hà Nội cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với thời gian diễn ra SEA Games 31 để quảng bá hơn nữa hình ảnh đất nước.
Bài báo dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Thái Hà, đồng thời là giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture về đổi mới sáng tạo, cho biết SEA Games 31 là sự kiện thể thao quốc tế diễn ra vào đúng thời điểm cần thiết, khi mà Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi du lịch. Trong khi đó, Tiến sĩ Bùi Hải Thiêm thuộc Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá SEA Games 31 là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam chứng minh với ASEAN rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn.
Theo bài báo, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn do nỗi lo đại dịch chưa hoàn toàn qua đi và lạm phát tăng cao, SEA Games 31 chính là một sự kiện lớn rất đáng được hoan nghênh, đặc biệt là đối với hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang nhiệt thành cổ vũ đội tuyển bóng đá nam của họ trên hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch đã giành được vào kỳ SEA Games năm 2019.