Di chuyển trong đêm
Hai ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều status, bài viết tranh cãi về chuyện đoàn sinh viên ngành y Hải Dương tình nguyện vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19.
Theo đó, nhiều câu chuyện tập trung hướng thông tin dư luận đến các sinh viên tình nguyện Hải Dương như: chuyện các sinh viên mặc áo blouse trắng đi ngoài đường, lên máy bay là "làm màu", là "diễn", rồi khi đến TP Hồ Chí Minh được ở trong các khách sạn 5 sao sang trọng...
Đỉnh điểm của vấn đề là một tài khoản trên mạng xã hội viết: “Hẹn dân 13 giờ xét nghiệm, thì 19 giờ các em mới tới. Chắc mấy bé muốn dân ngồi nắng để tự tiêu diệt COVID. Rồi các em xuất hiện thật đẹp, các em đòi “ăn no chóng nhớn” rồi mới làm. Khi làm thì các em bảo đồ không đúng tiêu chuẩn, N95 không đúng chuẩn, nhưng các em có biết đồ đó là của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cấp không… Hay là đồ của HCDC còn dở hơn đồ của trường y Hải Dương và các em chốt lại không làm” và bình luận so sánh "10 em sinh viên tình nguyện Hải Dương làm bằng 30 người dân TP Hồ Chí Minh"...
Những thông tin trên đã khiến cộng đồng mạng tại TP Hồ Chí Minh đổ dồn cơn thịnh nộ vào các bạn sinh viên Hải Dương khi thật hư công việc lấy mẫu, quy định tiêu chuẩn và kế hoạch phân công của các em sinh viên ngành y Hải Dương chưa được nhiều người hiểu rõ.
Trả lời cho những thắc mắc trên, phóng viên Báo Tin tức đã đi tìm hiểu, liên hệ với các thầy cô giáo, trưởng đoàn của trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Theo đó, hiện nay đoàn cán bộ, sinh viên của trường đang triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID tại TP Hồ Chí Minh theo sự phân công của Bộ Y tế, dựa trên tinh thần xung kích tình nguyện.
Đa số các em vào TP Hồ Chí Minh đã trải qua thời gian hỗ trợ tại các "điểm nóng" về dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Thực tế, các em nhận lệnh vào TP Hồ Chí Minh cũng khá bất ngờ, khoảng 2 giờ đêm ngày 30/6, các em được lệnh triệu tập đi chống dịch, ngay đêm đó các em đã phải thu dọn hành lý để về Hà Nội chuẩn bị cho chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh. Khoảng 9 giờ sáng ngày 1/7, các em đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, nhiều sinh viên khi vào đến TP Hồ Chí Minh mới có thời gian thông báo cho người thân, gia đình hay tin mình đã vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch.
“Khi đi vào TP Hồ Chí Minh, tất cả thầy trò của trường đều mang tâm thế không nề hà, ngại khó ngại khổ và cũng không đòi hỏi phải ở khách sạn 4-5 sao gì cả. Bởi, trong suốt thời gian dài chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh thầy và trò của trường cũng không đòi hỏi về chỗ ăn, chỗ ở; mà cái thầy và trò chúng tôi quan tâm là sẽ giúp cho tỉnh bạn chống dịch nhanh chóng. Vì vậy, việc chúng tôi vào TP Hồ Chí Minh lần này cũng mong hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch có kết quả nhanh hơn”, một thầy giáo của trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết thêm.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã điều động trên 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương vào tham gia hỗ trợ cho ngành y tế thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sau khi TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đoàn sinh viên, giảng viên trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, đoàn này sẽ chịu sự phân công của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chủ yếu của đoàn là tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng, điểm phong tỏa… giống như công việc mà đoàn đã từng hỗ trợ cho ở “điểm nóng” Bắc Giang, Bắc Ninh…
“Hy vọng với sự hỗ trợ của đoàn sinh viên, giảng viên trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhân lực sớm đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, trong 2 ngày đầu, quy mô của cuộc lấy mẫu quá lớn (400.000 người), các công ty cung ứng vật tư cho đoàn nhân viên y tế tại quận chuẩn bị không kịp, nguồn nhân lực cũng đến từ nhiều nơi nên sự phối hợp giữa các bên bước đầu có những khó khăn. “Hai hôm trước là khó khăn khách quan ngoài mong muốn. Hôm 3/7, chúng tôi đã điều chỉnh cách thức tổ chức, mỗi điểm đều có nhân viên y tế của địa phương phối hợp với lực lượng lấy mẫu của các đơn vị hỗ trợ. Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ vật tư y tế, nhân lực thì chúng tôi mới thông báo, nhắn tin mời người dân đến lấy mẫu xét nghiệm”, ông Nguyễn Trí Dũng nói.
"Các bạn sinh viên trường y ở Hải Dương và các tỉnh thành vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, chúng tôi rất ủng hộ tinh thần này. Điều quan trọng là tinh thần trách nhiệm, thiện chí của những người tham gia cùng thành phố chống dịch", ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Là cán bộ y tế TP Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng các đoàn tình nguyện đi lấy mẫu tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, quận Gò Vấp bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng từ ngày 30/6, mỗi ngày các nhân viên y tế sẽ có mặt "trực chiến" tại 40 điểm lấy mẫu xét nghiệm ở 8 phường của quận Gò Vấp.
"Lượng mẫu cần lấy rất lớn và những ngày qua cán bộ, nhân viên y tế thành phố cũng đang căng mình để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu cho người dân. Mọi người muốn biết công việc của cán bộ, nhân viên ngành y ra sao thì hãy đi xuống hiện trường, quan sát tìm hiểu công việc của họ thì sẽ rõ nhất. Chúng ta không thể chỉ nhìn, đọc trên các trang mạng xã hội mà hiểu hết công việc của các nhân viên ngành y hay của bất kỳ lực lượng nào đang hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch", ông Nguyễn Trung Hòa nói thêm.
Làm việc hết mình
Sáng ngày 3/7, TP Hồ Chí Minh chuyển sang lấy mẫu cho các học sinh, giáo viên chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tại địa bàn quận Gò Vấp, nhiều sinh viên tình nguyện của tỉnh Hải Dương cũng đến đây để hỗ trợ các nhân viên y tế lấy mẫu cho thầy cô và học sinh.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu cho các em học sinh, giáo viên tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chiều cùng ngày, các sinh viên tình nguyện Hải Dương cũng bắt đầu chia thành nhiều nhóm nhỏ về các quận, huyện lấy mẫu tại cộng đồng cho người dân.
Vừa xuống xe tại trường THCS Bình Lợi Trung (quận Bình Thạnh), em Nguyễn Thị Tình, sinh viên khoa Điều dưỡng của trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương đã nhanh chóng được phổ biến thông tin công việc cần làm tại điểm lấy mẫu. Ngay sau đó, em cùng 12 bạn trong đoàn tranh thủ thay bộ đồ bảo hộ và bắt tay vào công việc hàng ngày - lấy mẫu cho người dân.
Em Nguyễn Thị Tình cho biết: "Khi đọc các thông tin trên mạng xã hội, chúng em cũng thấy buồn nhưng bọn em cũng được thầy cô trấn an: các em nên xác định nhiệm vụ chính của mình vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch nên địa phương phân công gì các em hỗ trợ hết mình ở công việc đó. Vì vậy, dù ai có nói gì không hay, bọn em cần gác lại để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng em vào TP Hồ Chí Minh với tâm thế như đi vào các vùng dịch Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Chúng em chỉ mong mình góp chút công sức cùng người dân TP Hồ Chí Minh đồng lòng, nhanh chóng dập dịch COVID-19 sớm nhất”.
Tương tự, em Nguyễn Danh Hạnh, sinh viên năm 2 khoa Xét nghiệm của Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết, lúc em thông báo cho người thân mình chuẩn bị lên đường vào TP Hồ Chí Minh, gia đình em nghe xong rất ủng hộ và còn dặn dò "con hãy làm việc hết mình giúp thành phố dập dịch nhanh và cũng phải giữ gìn sức khỏe để nhanh về với mọi người", bởi đã gần 2 tháng nay em chưa được về nhà thăm gia đình mình.
“Khi làm nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh, em luôn coi các bác, cô chú, ông bà… em thực hiện công việc lấy mẫu xét nghiệm như chính những người thân trong nhà. Các bác, cô, chú khi lấy mẫu cũng có những tâm lý lo lắng, bất an và thậm chí rất lo sợ lấy mẫu nhưng chúng em đều được hướng dẫn các kỹ năng về tâm lý nói chuyện, hỏi thăm nhằm trấn an mọi người khi lấy mẫu. Ngoài ra, chúng em cũng luôn khuyến cáo các bác, cô chú lúc lấy mẫu chỉ cần kéo khẩu trang qua mũi và vẫn phải đeo khẩu trang che kín miệng để phòng dịch cho những người xung quanh”, em Nguyễn Danh Hạnh cho biết thêm.
Vừa lấy mẫu xét nghiệm tại trường THCS Bình Lợi Trung, anh Nguyễn Tuấn Anh, ngụ ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, tất cả các em sinh viên tình nguyện tham gia lấy mẫu dù còn trẻ nhưng thao tác lấy mẫu khá chuyên nghiệp. Trước đó, anh Tuấn cứ nghĩ lấy mẫu xét nghiệm ở mũi sẽ rất đau, thậm chí còn có thể chảy máu nhưng khi được lấy mẫu xong anh Tuấn lại thấy khá nhẹ nhàng và anh không thấy đau hay khó chịu.
“Hai ngày nay, tôi có xem thông tin lùm xùm trên các trang mạng về các em đoàn tình nguyện Hải Dương, tuy nhiên tôi thấy đó chuyện của mạng xã hội, mình chưa được tận mắt chứng kiến sự việc thì chỉ nên tham khảo. Còn hôm nay, tôi may mắn được gặp các bạn sinh viên Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm, tôi thấy các em còn trẻ nhưng đã có cách làm việc rất chuyên nghiệp, hướng dẫn tận tình từng người dân, thao tác lấy mẫu của các bạn rất nhanh khiến tôi không thấy đau và bị chảy máu như mọi người đã từng chia sẻ trên mạng xã hội”, anh Nguyễn Tuấn Anh nói thêm.
Liên lạc với thầy Ngụy Đình Hoàn, Trưởng đoàn hỗ trợ trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương để mong thầy thông tin nhiều chiều về các thông tin trên mạng xã hội, tuy nhiên, thầy Hoàn đã tế nhị từ chối giải thích.
“Tôi không quan tâm mạng xã hội nói gì, càng giải thích càng phức tạp vấn đề nên tôi không muốn trình bày thêm về sự việc. Tại TP Hồ Chí Minh, làm được đến đâu chúng tôi sẽ làm hết sức mình, giúp đỡ trên tinh thần tình nguyện. Quan điểm nhất quán của chúng tôi là hỗ trợ được đến đâu chúng tôi sẽ hỗ trợ, còn mọi người nói, nghĩ như thế nào cũng được. Bởi mạng xã hội nói là quyền của họ, chúng tôi không chạy theo dư luận, lúc này chúng tôi đang rất bình tĩnh, tập trung công việc với tinh thần cao nhất”, thầy Ngụy Đình Hoàn nói.